Con người đang lãnh chịu sự cuồng nộ của thiên nhiên
“Sạt lở đất do nạn phá rừng”, “tất cả là do con người”, “con người phải lãnh chịu sự cuồng nộ của thiên nhiên do hành động phá rừng của mình”. Đấy là những câu được nói nhiều nhất mỗi khi có sạt nở đất.
Nói như vậy chỉ đúng có một phần, vẫn còn thiếu những nguyên nhân quan trọng nhất. Không chỉ đúng nguyên nhân thì chúng ta không thể làm tốt công tác phòng tránh thiệt hại của sạt lở đất.
Theo các nghiên cứu quốc tế thì các yếu tố quan trọng nhất gây ra sạt lở đất là độ dốc và loại đất, lượng mưa lớn, tiếp theo là độ che phủ đất (cây và rừng), cuối cùng là yếu tố con người.
Độ dốc
Một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở do mưa là địa hình dốc. Các sườn dốc có độ dốc cao dễ bị trượt hơn khi nước mưa xâm nhập vào đất, làm giảm độ ổn định của nó. Ngoài ra, các sườn dốc thường có khả năng giữ đất kém, khiến chúng dễ bị xói mòn.
Loại đất
Nguyên nhân chính thứ hai là loại đất. Đất cát lỏng lẻo, có độ kết dính thấp hơn, dễ dàng mất ổn định khi bão hòa nước nên dễ bị sạt lở đất hơn. Đất sét có độ kết dính và gắn kết cao hơn, có xu hướng giữ lại với nhau tốt hơn khi bị ẩm ướt, nên có khả năng ít bị lở đất hơn. Đất đá ong có độ kết dính cao nhất, khả năng sạt lở đất là thấp nhất.
Lượng mưa lớn
Lượng mưa dữ dội và kéo dài làm cho bão hòa nước trong mặt đất, làm tăng trọng lượng và làm giảm sự ổn định của đất, có thể dẫn đến sạt lở đất, đặc biệt là ở những khu vực có hệ thống thoát nước kém.
Độ che phủ đất – Phá rừng, cháy rừng, hạn hán
Độ che phủ đất là nguyên nhân tiếp theo. Đất rừng nguyên sinh ít bị sạt lở hơn, đất trống dễ bị sạt lở nhất. Cây cối và thảm thực vật với hệ thống rễ của chúng liên kết các hạt đất với nhau, hoạt động như chất ổn định tự nhiên, gia cố các lớp đất tạo thành các trụ chống lại sự di chuyển của đất. Nạn phá rừng, cháy rừng và hạn hán kéo dài đã loại bỏ lớp cây và rễ, làm giảm khả năng giữ nước khiến đất dễ bị xói mòn, sạt lở khi mưa lớn.
Tuy nhiên với các sườn dốc đất không ổn định, cây cối và rừng cũng có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất do áp đặt tải trọng lên các sườn dốc, nhất là khi có gió lớn; Chúng không có khả năng ngăn chặn hoặc giảm thiểu sạt lở sâu hoặc trượt trên các sườn dốc rất dốc (theo Recoftc – FAO).
Tác động của con người
Cuối cùng là hoạt động của con người như làm đường, làm nhà (chặt chân đồi), xây dựng nhà cửa trên đồi, khai thác mỏ. Các hoạt động này làm suy yếu tính toàn vẹn cấu trúc của đất, làm tăng khả năng sạt lở đất.
Sạt lở đất xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng nguy cơ trượt do mưa có xu hướng lớn hơn nhiều ở các vùng núi nhiệt đới như ở Philippines, Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ.
Chính vì sạt lở đất liên quan đến nhiều yếu tố bao gồm độ dốc, loại đất, độ che phủ đất (cây và rừng) và tác động của con người (xây dựng đường, nhà cửa và khai thác mỏ) và lượng mưa, cho nên muốn phòng chống thiệt hại do sạt lở đất, người ta phải tiến hành xây dựng bản đồ sạt lở đất. Công tác qui hoạch về nhà ở, trường học, bệnh viện, công sở cần phải dựa trên bản đồ sạt lở đất, tuyệt đối không xây dựng ở những khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở đất cao.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận