Cơn hạn của FCN
Fecon nằm trong nhóm nhà thầu tư nhân uy tín với doanh thu tăng trưởng đều đặn, nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp ngụp lặn suốt 6 năm qua, khi lợi nhuận trên từng cổ phần pha loãng và nợ phải thu chất chồng.
Đầu tháng 9 vừa qua, CTCP Fecon (HOSE: FCN) hủy vòng đàm phán phát hành riêng lẻ cho đối tác Trung Quốc China Harbour Engineering Company Ltd (CEHC), qua đó giải tỏa được nỗi lo về việc CHEC là công ty con của một đơn vị chủ chốt trong sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa kế hoạch phát triển của Fecon tiếp tục trắc trở.
Lượng tiền huy động từ đợt phát hành riêng lẻ dự kiến được Fecon góp vốn đối ứng các dự án hạ tầng giao thông và năng lượng.
3 năm qua, doanh nghiệp này vẫn chưa tìm ra nhà đầu tư phù hợp cho đợt chào bán riêng lẻ vốn đã được cổ đông thông qua từ ĐHĐCĐ bất thường tháng 8/2017. Cũng trong chừng ấy năm, giá cổ phiếu FCN ba chìm bảy nổi.
Tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng có vấn đề. Giai đoạn từ 2014-2019, không năm nào Fecon có dòng tiền kinh doanh dương. Trong lúc đó, nhà thầu này chi hàng trăm tỷ mỗi năm đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng hoạt động. Cơn khát tiền của Fecon buộc phải giải tỏa thông qua các hoạt động tài chính, từ vay nợ ngân hàng đến phát hành trái phiếu chuyển đổi, gọi thêm vốn từ cổ đông hiện hữu.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính bù đắp cho dòng tiền kinh doanh, đầu tư của Fecon giai đoạn 2014-6T2020
Đvt: Tỷ đồng
Khác với số đông nhà thầu chọn theo hướng đi truyền thống là xây dựng dân dụng, Fecon bắt đầu cách đây 16 năm trong vai trò thi công nền móng và nhanh chóng phát triển. Những năm gần đây, hãng xây dựng này mở rộng vào miền Nam và trở thành đơn vị trong nước đầu tiên vận hành robot đào hầm tại Metro số 1 TP HCM, đi ra quốc tế với thị trường Myanmar, dần trở thành tổng thầu tại các công trình thay vì chỉ thầu phụ như quá khứ, và đặc biệt là nhắm đến miếng bánh hạ tầng cho tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, đường tiến vào lĩnh vực cầu đường của Fecon không trơn tru. Sau thành công của BOT Phủ Lý năm 2017, đối tác NEXCO Nhật Bản rút lui trong khi trước đó được kỳ vọng là bên góp phần lớn vốn trong tổ hợp đấu thầu các dự án tiềm năng (như cao tốc Bắc - Nam phía Đông), còn Fecon - với nguồn vốn nhỏ hơn - đóng vai trò nhà thầu thi công và sẽ nắm cổ phần nếu dự án hấp dẫn.
Được kết hợp với các đối tác tiềm lực có thể tạo ra nguồn việc lớn cho Fecon. Một dự án điển hình cho hướng đi này trong mảng năng lượng là Vĩnh Hảo 6, nhà máy điện mặt trời tại Bình Thuận mà Fecon hợp tác thực hiện cùng tập đoàn năng lượng Acwa Power đến từ Ả Rập Xê Út.
Diễn biến thị giá cổ phiếu FCN giai đoạn 2013-2020
Cách đây một năm rưỡi, hãng xây dựng Raito Kogyo trở thành cổ đông lớn tại Fecon. Tuy nhiên, dù ông lớn Nhật Bản đủ sức hỗ trợ về mặt kỹ thuật và mối quan hệ, nhưng không hề trực tiếp rót tiền vào nhà thầu Việt. Raito mua cổ phiếu FCN trên thị trường tự do và nhận chuyển nhượng các trái phiếu chuyển đổi mà trước đây Fecon phát hành cho Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ).
Đối với CEHC - một thương vụ đã đổ bể, Ban lãnh đạo từng chia sẻ về việc nguồn lực tài chính mạnh của họ sẽ hỗ trợ được nhiều cho Fecon.
Trong khi đó, nguồn vốn là nút thắt trong chiến lược đi song song thi công và đầu tư của Fecon. Vắng sự hậu thuẫn từ đối tác tiềm lực như NEXCO, khả năng nhận thầu dự án hạ tầng lớn có thể gặp khó khi tình hình tài chính của Fecon cũng không thực sự vững chắc. Các khoản phải thu ngắn hạn ngày càng phình to, và đến cuối năm 2019 đã lớn hơn cả doanh thu thuần cùng năm.
Là một nhà thầu phụ chuyên sâu, Fecon sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán thông qua trung gian là tổng thầu, chứ không trực tiếp từ chủ đầu tư. Điều này dẫn đến các khoản chi trả bị các tổng thầu chiếm dụng.
“Chỉ tiêu thu hồi công nợ là điểm đuối nhất của Công ty trong 3 năm qua”, Chủ tịch Phạm Việt Khoa chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2020. Có những khoản phải thu liên quan đến các dự án dầu khí thậm chí tồn tại từ năm 2012, trong khi các dự án làm thầu phụ cho tổng thầu lớn thì gối đầu nợ nhau.
Khoản phải thu của Fecon cuối 2019 lớn hơn doanh thu cả năm
Đvt: Tỷ đồng
Những khó khăn tài chính buộc Fecon phải xoay sở huy động vốn, và điều này dẫn đến một vấn đề khác. Doanh nghiệp này không làm ra đủ lợi nhuận để bắt kịp với guồng quay pha loãng cổ phần. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến biên lợi nhuận thu hẹp tại mảng chủ lực thi công nền móng, trong khi đó tình hình đầu tư công chậm lại đẩy thị trường xây dựng hạ tầng vào giai đoạn trầm lắng. Lãi cơ bản trên từng cổ phần (EPS) của FCN rơi từ mức 7,474 đồng/cp trong năm 2011 xuống chỉ còn 1,863 đồng/cp đối với năm 2019.
Trong giai đoạn gọi vốn từ cổ đông hiện hữu đầu năm 2018, Ban lãnh đạo Fecon từng dự kiến lộ trình tăng trưởng hai chữ số mỗi năm, nhưng các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận thực tế đều khiêm tốn so với kế hoạch. Những con số ấn tượng trong các dự báo dường như xuất phát từ ý đồ thu hút nhà đầu tư mua cổ phần phát hành thêm.
Tại báo cáo thường niên 2019, Ban lãnh đạo Fecon tiếp tục đặt ra một kịch bản tăng trưởng hoành tráng, nhưng lần này, trước hết phải đặt chúng dưới một dấu chấm hỏi.
Dự báo mà những người điều hành Fecon đưa ra vào đầu năm 2018 giờ trở nên quá xa vời
Đvt: Tỷ đồng
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, cổ đông đã bày tỏ sự không đồng thuận với kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược bởi e ngại rủi ro pha loãng, thứ họ phải chịu đựng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi thương vụ CEHC dừng lại thì những người điều hành Fecon cũng chẳng thể thở phào, bởi họ đang bị kẹp ở thế lưỡng nan. Một bên là rủi ro pha loãng, bên còn lại, nếu không phát hành thêm cổ phần thì tình hình nguồn vốn sẽ không được giải quyết và doanh nghiệp phải vay ngân hàng để tài trợ các kế hoạch đầu tư.
“Những gì chúng ta làm được thì phải đem đi phục vụ ngân hàng hết. Chi phí tài chính là rất lớn” - Chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa nói tại Đại hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận