Cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG: Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên có gì đáng nói?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/1 cũng là phiên giao dịch phiên đầu tiên trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNZ của Kỳ lân công nghệ VNG đứng giá ở mức 240.000 đồng/cp.
Phiên giao dịch ngày 5/1/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đón tân binh đầu tiên của năm – một cổ phiếu công nghệ: VNZ của CTCP VNG. Đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường nói chung và nhóm cổ phiếu công nghệ nói riêng khi có thêm hàng hóa chất lượng để nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng vào một con sóng công nghệ thực sự lớn.
Danh tiếng của Kỳ lân công nghệ VNG gắn kèm với tên tuổi của chủ sở hữu ứng dụng Zalo nổi tiếng khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm, chờ đợi phiên chào sàn của cổ phiếu này. Đặc biệt với giá chào sàn 240.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư “hóng” kết quả phiên hôm nay.
Tuy vậy trong suốt cả phiên giao dịch, bên bán trắng lệnh. Có vẻ các cổ đông còn muốn nắm giữ lâu hơn, hoặc chờ đợi những tín hiệu từ các bên khác. Trong khi các lệnh mua vào vẫn liên tục được đặt, “rải” vùng giá từ 255.000 đồng lên đến 336.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng đặt mua giá trần cuối phiên lên đến 83.400 cổ phiếu.
Năm 2014, “startup” công nghệ này từng được định giá 1 tỷ USD và trở thành “kỳ lân” đầu tiên tại Việt Nam, theo World Startup Report. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao “ngất ngưởng” khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Tình hình kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của VNG đạt 5.764 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh thu 5.724 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy gánh nặng chi phí khiến công ty lỗ 764 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi sau thuế 197 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm, định giá của VNG đã “bốc hơi” khoảng 86%. Tuy nhiên, con số 350 triệu USD vẫn đủ đưa doanh nghiệp này lọt top 2 về vốn hóa trong nhóm công nghệ trên sàn chứng khoán, chỉ sau Tập đoàn FPT (mã FPT).
Thực tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng không có nhiều cổ phiếu công nghệ nổi bật. Bên cạnh “gã khổng lồ” FPT (~3,7 tỷ USD vốn hóa), chỉ có CMC Group (mã CMG) là cái tên đáng chú ý với giá trị vốn hóa hơn 260 triệu USD. Trong khi đó, những doanh nghiệp khác như ELCOM (mã ELC), CTIN (mã ICT), VMG (mã ABC),... đều có quy mô rất nhỏ.
Thông thường, một tân binh mới lên sàn với quy mô lớn được kỳ vọng sẽ mang đến hiệu ứng tích cực lên các cổ phiếu khác cùng nhóm ngành do hoạt động định giá lại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, với đặc thù nhóm công nghệ và bối cảnh thị trường hiện tại, không dễ để thương vụ lên sàn của VNG tạo ra một con sóng ngành thực sự.
Có thể thấy, thị trường trong nước tăng phiên thứ 3 liên tiếp nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu bluechips. Thanh khoản thị trường giảm khi dòng tiền nội tỏ ra thận trọng, trong khi đó khối ngoại tiếp tục duy trì mạch mua ròng, nhất là ở nhóm VN30 đã giúp chỉ số tăng bật tăng rõ nét trong phiên chiều.
Thanh khoản thị trường trên toàn thị trường đạt 10.337 tỷ đồng, giảm 15,3% so với phiên hôm qua và sụt 3,6% so với tuần cuối năm 2022.
Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp khi VN-Index tiệm cận mức kháng cự 1.063 điểm.
Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, mặc dù VN-Index đang trong quá trình hồi phục, với thanh khoản yếu như hiện tại thì thị trường có nhiều khả năng sẽ gặp phải áp lực chốt lời lớn ở các vùng kháng cự. Vùng kháng cự trước mắt chỉ số cần bật lên là vùng 1.060 - 1.065.
Đồng quan điểm, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận từng phần tại những phiên tăng điểm tốt và giữ tâm lý thận trọng, hạn chế mua đuổi ở những vùng kháng cự mạnh của VN-Index để đề phòng lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện trở lại khi chỉ số không bứt phá vượt được kháng cự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận