Cổ phiếu "tí hon" ngành dược đồng loạt tăng "bốc đầu" vì được phép nhập vaccin
Nhờ thông tin tích cực từ Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện nhập khẩu vaccin Covid 19 hàng loạt cổ phiếu vốn hoá nhỏ UpCOM tăng kịch trần phiên sáng 4/6...
Như VnEconomy đưa tin, Bộ Y tế vừa công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine.
CỔ PHIẾU LÊN ĐỒNG NHỜ ĐƯỢC NHẬP VACCIN
Trong danh sách này có một số doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn như Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (DBT - HOSE); Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1 - UpCOM); Công ty CP Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN - UpCOM); Dược phẩm Vimedimex Bình Dương (VMD - HOSE); Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP - UpCOM); Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM ( YTC - UpCOM). Một số công ty thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN - UpCOM) như Dược liệu Trung ương 2, Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam…
Ngay lập tức trên sàn, cổ phiếu những công ty trên đồng loạt tím lịm phiên sáng nay 4/6 với nhiều mã kịch trần, trong đó có 4 mã ở UpCOM và 2 mã trên HSX.
DBT của Dược phẩm Bến Tre tăng kịch trần 6,76% so với phiên giao dịch hôm qua, tính trong vòng một tuần qua DBT đã tăng 17%, hiện đang giao dịch ở mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản 10 phiên gần đây tốt hơn với 94.000 cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên so với trước đó đì đẹt ở 1.000 - 2.000 cổ phiếu.
Kết thúc quý 1/2021, DBT ghi nhận doanh thu bán hàng 155,7 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 328 triệu đồng trong khi năm ngoái ghi nhận lãi 6 tỷ đồng. Mới đây, DBT đã chính thức thoái vốn khỏi CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (BIO) sau khi bán thành công toàn bộ 4,4 triệu cổ phiếu tương đương với 51% đang nắm giữ. Năm 2021, DBT đặt kế hoạch doanh thu 918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020.
Tương tự, DP1 Dược phẩm Trung ương CPC1 cũng kịch trần với mức tăng 14,92% phiên sáng nay, hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 36.200 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng đột biến so với phiên giao dịch trước đó.
Kết thúc quý 1, DP1 ghi nhận doanh thu bán hàng 418,5 tỷ đồng, giảm so với con số 531 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước tuy nhiên nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, doanh thu hoạt động tài chính tăng ca đã giúp cho cả quý DP1 lãi sau thuế 10,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý 1/2020. Năm 2021, DP1 đặt mục tiêu doanh thu 2.100 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2020, lợi nhuận sau thuế 41,6 tỷ đồng, tăng 2,56%.
DDN của Công ty CP Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng cũng tím lịm sáng nay với mức tăng 14,38%. Thị giá của DDN hiện là 16.700 đồng/cổ phiếu, thanh khoản từ 1.000 - 2.000 cổ phiếu mỗi phiên hiện lên đến 128.000 cổ phiếu được khớp lệnh. Kết thúc quý 1/2021, DDN ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 4,9 tỷ đồng tăng 24% so với quý 1/2020 chủ yếu là nhờ hoạt động tài chính tăng 156% so với quý 1/2020. Công ty đồng thời tái cấu trúc bộ máy, cơ chế kinh doanh, từ đó tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, hàng loạt mã nằm trong danh sách nhập khẩu vaccin cũng đồng loạt tăng trần như VMD tăng 6,83%; CDP tăng 15,63% hay DVN tăng mạnh 3,85%; YTC tăng 14%% Thanh khoản ở nhóm này những phiên gần đây cải thiện đáng kể so với trước đó có những mã gần như không có giao dịch gì.
Ở chiều ngược lại với những mã như TRA của Traphaco, DHG của Dược Hậu Giang; OPC của Dược phẩm OPC, DHP của Dược Phẩm Hà Tây; DCL của Dược phẩm Cửu Long…đều là những nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn trên sàn HOSE lại lao đầu giảm mạnh.
TRIỂN VỌNG NGÀNH DƯỢC 2021: PHỤ THUỘC VÀO COVID-19
Đánh giá về triển vọng ngành dược năm 2021, Chứng khoán Phú Hưng cho rằng phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid 19. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC. Do đó, sự phục hồi của kênh ETC trong năm 2021 phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch của Việt Nam trong năm nay
Năm 2021, kênh ETC có thể sẽ không tăng trưởng đột biến như dự báo trước đây do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần làm cho kênh OTC phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Theo khảo sát của Vietnam Report, có khoảng 71.4% doanh nghiệp Dược trong khảo sát lựa chọn phát triển, mở rộng kênh OTC là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2021, nguồn cung thuốc thành phẩm nhập khẩu vẫn có thể bị hạn chế và khả năng sẽ gây áp lực đến giá thuốc trên thị trường.
Tuy vậy, trong dài hạn, kênh ETC sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành dược nhờ: Xu hướng thay thế thuốc ngoại bằng thuốc sản xuất trong nước đang tiến triển càng lúc càng nhanh nhờ các quy định của Nhà nước. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân lớn.
Năm 2020, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) ghi nhận khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90.85% dân số, tăng 25.6% so với năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của khối bệnh viện tư nhân cũng góp phần gia tăng chi tiêu thuốc trong kênh bệnh viện. Hiện nay, số bệnh viên tư nhân khoảng hơn 200 đơn vị với tốc độ tăng trưởng 6.8%/năm.
Hơn nữa, nhà nước có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện tư (0% trong 4 năm đầu, 10% cho những năm sau), sẽ khuyến khích sự phát triển của nhóm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường