Cổ phiếu tăng bất chấp lệnh bán từ lãnh đạo doanh nghiệp và người nội bộ
Từng là loại thông tin được xếp vào dạng ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu, các đợt bán ra của lãnh đạo và người nội bộ doanh nghiệp hiện chỉ nhận được cái nhún vai của giới đầu tư.
Gần đây không ít doanh nghiệp công bố các đợt bán cổ phiếu quỹ ra thị trường. Các đơn vị này đến từ đa ngành nghề như Mía Đường Lam Sơn (HOSE: LSS), Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP), nhà phát triển bất động sản Nam Long (HOSE: NLG) cho đến nhà môi giới chứng khoán VNDirect (HOSE: VND).
Cùng với đó là sự xuất hiện các giao dịch bán ra cổ phiếu của những người nội bộ (thành viên HĐQT, nhân sự điều hành và người thân,...) tại các doanh nghiệp như Licogi 16 (HOSE: LCG), Haxaco (HOSE: HAX) hay các doanh nghiệp ngành thép Pomina (HOSE: POM), Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), Thép Nam Kim (HOSE: NKG),...
Những cổ phiếu trên cùng chia sẻ một điểm chung: Thị giá của chúng đã tăng mạnh trong vài tháng qua, giữa cơn sốt đầu tư chứng khoán bắt đầu từ cuối năm 2020.
Liệu đây có phải dấu hiệu của một làn sóng bán ra mạnh hơn từ những người trong cuộc tại doanh nghiệp ở tương lai gần? Vì cổ phiếu đã tăng giá đến mức họ cho là cao so với giá trị doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp có giao dịch nội bộ bán ra đáng chú ý vào đầu 2021
Gần một năm trước, khi thị trường chứng khoán đang bi quan cùng cực vì Covid-19, động thái mua vào từ lãnh đạo và doanh nghiệp tạo nên lực cầu mạnh mẽ đối ứng với đà rút vốn của khối ngoại. Vào tháng 3-4/2020, thông tin về các đợt mua cổ phiếu này gần như là chỉ báo tích cực duy nhất đối với đông đảo nhà đầu tư cá nhân vốn đang đau đầu vì thua lỗ và thiếu niềm tin.
Theo số liệu tại một báo cáo của quỹ Dragon Capital, từ tháng 2-8/2020, hơn 830 triệu USD giá trị cổ phiếu đã được mua bởi lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các đợt mua cổ phiếu quỹ, qua đó trở thành lực mua đối ứng với đà bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị mua ròng của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong khoảng thời gian này chỉ ở mức 106 triệu USD.
Tác động tâm lý của các đợt mua cổ phiếu từ người nội bộ và doanh nghiệp là rất lớn. Chưa cần đến các giao dịch thực tế, những thông tin liên quan xuất hiện trên truyền thông đã có thể khiến giới đầu tư cá nhân đổ xô đặt lệnh mua cổ phiếu.
Vào tháng 3/2020, giữa lúc cổ phiếu của CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đang liên tục dò đáy, thông tin nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh đăng ký mua 15 triệu cp đã ngay lập tực đảo ngược tình thế giao dịch đối với REE trong phiên 17/03, đồng thời cũng xác lập luôn vùng đáy của cổ phiếu này.
NIỀM TIN KỊP THỜI
Người nội bộ và cổ đông lớn mua vào hàng triệu cổ phiếu REE
(Diễn biến thị giá REE trong năm 2020 tính đến tháng cuối 11)
Tại một thị trường chứng khoán chịu chi phối nhiều bởi cảm xúc như Việt Nam – do đối tượng tham gia giao dịch hàng ngày chủ yếu là những cá nhân nhỏ lẻ – thì quyết định mua vào từ các lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo nên chỗ bám tâm lý tích cực, bên cạnh việc thu hẹp một phần nguồn cung cổ phiếu trên thị trường. Ở chiều ngược lại, những quyết định bán ra thường tạo nên tâm lý tiêu cực.
Tuy nhiên, mô típ đó dường như đã thay đổi trong kỷ nguyên tiền rẻ. Dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân lũ lượt đổ vào chứng khoán - từng xem nhẹ động thái rút vốn của khối ngoại hay các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp - giờ tiếp tục làm lu mờ sức ảnh hưởng của những thông tin giao dịch nội bộ (gồm mua bán của lãnh đạo và người liên quan, cùng với hoạt động mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp).
Đà tăng giá của cổ phiếu CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC) không hề suy suyển trước những lệnh bán từ cổ đông lớn, Kế toán trưởng và người liên quan của Thành viên HĐQT. Hodeco cũng bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ nắm giữ vào tháng 1-2 vừa qua. Giá trị thị trường của nhà phát triển bất động sản tại Vũng Tàu hiện ở mức 2.86 ngàn tỷ đồng, cũng là vùng đỉnh lịch sử của doanh nghiệp.
Trong suốt giai đoạn tăng giá của cổ phiếu ngành thép, không ít người nội bộ tại Thép Nam Kim, SMC, Pomina đều thực hiện những đợt bán ra cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường dường như không quá quan tâm đến vấn đề này khi tình hình kinh doanh của ngành thép vẫn trở lại ấn tượng.
Thực tế, khi so sánh với làn sóng mua vào cổ phiếu của một năm về trước, những thương vụ bán ra gần đây của các lãnh đạo và doanh nghiệp vẫn còn kém hơn nhiều cả về quy mô và tính phổ biến (số thương vụ). Bên cạnh đó, những giao dịch bán ra kể trên cũng diễn ra giữa lúc thị trường vẫn đang trong cuộc đua tìm kiếm lợi nhuận sôi động nhất lịch sử. Vào lúc này, giới đầu tư mải miết truy tìm những cổ phiếu tăng giá thay vì lo nghĩ đến rủi ro.
Nhà đầu tư có lẽ tạm thời không để tâm đến việc những người hiểu rõ doanh nghiệp nhất - các lãnh đạo, giám đốc điều hành,… - đang bán ra. Tuy nhiên, nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn khi thị trường đi lên các mức cao mới thì sẽ tạo nên rủi ro lớn về một nguồn cung cổ phiếu mới ra thị trường, nhất là khi thị giá chứng khoán đã tăng rất nhanh trong vòng một năm qua. Những tác động lên tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng là khó tránh nếu ngày một nhiều thương vụ bán từ người nội bộ xuất hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận