[Cổ phiếu nổi bật tuần] Đón sóng KQKD và thoái vốn, VGT tăng vội hơn 13% trong 1 tuần
Các cơ hội giao dịch vẫn xuất hiện nhiều trên HNX và UPCoM dù các cổ phiếu trong VN30 mới là tâm điểm thị trường tuần qua. VGT là một trong những cổ phiếu nổi bật trên UPCoM với mức tăng hơn 13%.
VGT tăng hơn 13%/ tuần, phảng phất mô hình "Cốc - Tay cầm"
Tuần vừa qua, thị trường dồn hết sự chú ý tới những cổ phiếu trụ trong nhịp VN-Index bứt phá lập hàng loạt kỷ lục điểm số mới. Tuy nhiên, các cổ phiếu trên HNX hay UPCoM thực tế cũng hầu hết đều giao dịch khả quan. Vẫn có rất nhiều mã phá đỉnh điển hình như trường của cổ phiếu VGT - Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện đang niêm yết trên UPCoM.
Trong cả tuần, cổ phiếu này đã tăng tới 13,43% lên 24.500 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất lịch sử giao dịch trên UPCoM. Kể cả phiên ngày thứ Năm tuần vừa rồi, VGT cũng đã ghi nhận mức giá đóng cửa kỷ lục.
Theo góc độ kỹ thuật, các tiêu chí như MA5, RSI, MACD đều cho thấy cổ phiếu đang ở trong xu hướng tăng ngắn hạn và VGT hoàn có thể còn chinh phục tiếp các cột mốc mới.
Mô hình "Cốc - Tay cầm" cũng có thể được nhà đầu tư vẽ ra trong biến động của VGT tính từ thời điểm đầu tháng 1 cho đến cuối tháng 10. Tuy nhiên, có lưu ý về phần "Tay cầm" của VGT đang chưa thực sự có mẫu hình chuẩn do biên độ còn khá lớn, dao động chưa thực sự thu hẹp lại.
Phe mua lên có lẽ đã khá vội vàng "đánh lên" theo thị trường và có thể sẽ dẫn đến rung lắc sớm xảy ra với VGT trong thời gian tới. VGT cần phải kiểm chứng vùng đỉnh mới trước khi có những bước tiến bứt phá hẳn khỏi vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận và có câu chuyện thoái vốn đằng sau
Tập đoàn Dệt may Việt Nam là doanh nghiệp đứng đầu trong ngành dệt may với 33 công ty con và 34 công ty liên kết đang hoạt động sản xuất kinh doanh trải rộng từ sản xuất sợi (sợi cotton và sợi nhân tạo), vải (vải dệt kim và vải dệt thoi) và may quần áo.
Năng lực sản xuất ở các mảng của VGT là sợi (155 nghìn tấn/ năm), vải (170 triệu mét/năm), may (352 triệu sản phẩm/năm). VGT chiếm đến 95,5% sản lượng sợi, 42,3% sản lượng xơ, 25,7% sản lượng vải được sản xuất của cả nước.
So với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 8,3% lên mức 13,2% trong khi chi phí lãi vay giảm mạnh 32,4%, chỉ còn 178 tỷ đồng. Còn thu nhập khác tăng 42,8% đến từ khoản tăng của khoản mục thanh lý tài sản và đền bù.
Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may duy trì tích cực trong 9 tháng năm 2021 đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 bất chấp khó khăn từ dịch COVID-19. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ: hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5%; vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 37,4%; xơ sợi đạt 4 tỷ USD, tăng 56,2%; vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%.
Điều này đã cho thấy sự hồi phục của ngành dệt may sau giai đoạn khó khăn của chiến tranh thương mai 2019-2020.
CTCK Mirae Asset (MAS) dự phóng doanh thu thuần năm 2021 của VGT đạt 16.068 tỷ (+ 15%) và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 866 tỷ (+207%). Qua đó, EPS dự phóng đạt 2.152 đồng/ cổ phiếu và mức P/E dự phóng đạt 11,4 lần, mức P/E thấp hơn nhiều so với trung bình kể từ khi chào sàn.
Đồng thời MAS cũng dự phóng cho cả năm 2022 với doanh thu thuần đạt 18.639 tỷ (+16%) và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 1.075 tỷ (+24%).
Ngoài câu chuyện kinh doanh khả quan, VGT còn đang có sự hỗ trợ từ thông tin thoái vốn của SCIC. Tuy nhiên, đây vẫn là những thông tin chưa rõ ràng bởi ưu tiên thoái vốn cuối năm của SCIC là tại các doanh nghiệp như BMI, VOC nên nhiều khả năng trong quý 1/2022 tin túc thoái vốn vẫn còn sẽ nóng với VGT.
Theo tính toán, giá trị vốn hóa của VGT trên UPCoM đang là hơn 160 nghìn tỷ đồng nên tổng giá trị phần vốn sở hữu của SCIC đang là gần 85 nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận