Cổ phiếu một doanh nghiệp có vốn Nhà nước sắp "chuyển nhà", thị giá tăng sốc gần 3.100% kể từ đầu năm
Đóng cửa phiên giao dịch 20/9, thị giá PTX dừng tại mốc 15.900 đồng/cp, gấp gần 32 lần vùng giá hồi đầu năm.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây ra thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với hơn 64,3 triệu cổ phiếu PTX của CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh. Ngày hủy đăng ký giao dịch vào 30/9, ngày giao dịch cuối cùng trên hệ thống giao dịch UPCoM là 27/9.
Lý do hủy đăng ký giao dịch bởi CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Cổ phiếu PTX lên sàn UPCoM giao dịch từ ngày 30/7/2018, song gần như “tắt thanh khoản”. Phải tới 4 tháng trở lại đây, cổ phiếu này mới ghi nhận biến động, thậm chí, từ giữa tháng 8 xuất hiện nhiều phiên khớp lệnh lên tới hàng chục nghìn đơn vị.
Dù kém thanh khoản, PTX lại là cổ phiếu chứng kiến đà tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính từ đầu năm tới nay.
Đóng cửa phiên giao dịch 20/9, thị giá PTX dừng tại mốc 15.900 đồng/cp, dù giảm nhẹ so với phiên trước song thị giá cổ phiếu này vẫn gấp gần 32 lần vùng giá hồi đầu năm (tương ứng mức tăng gần 3.100%). Như vậy, PTX còn cách đỉnh 21.400 đồng/cp (phiên 23/8) khoảng 26% giá trị.
Trong công văn giải trình về việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp hồi giữa tháng 7, doanh nghiệp nêu “văn mẫu” cổ phiếu tăng vọt chủ yếu do yếu tố cung - cầu trên thị trường chứng khoán. Công ty nhấn mạnh không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh là thành viên của Petrolimex Việt nam, được thành lập từ việc cổ phần doanh nghiệp Nhà nước, theo Quyết định số 1364/2000/QĐ-BTM ngày 03/10/2000 của Bộ Công Thương.
Năm 2018, doanh nghiệp mới chính thức giao dịch trên UPCoM. Trải qua nhiều đợt tăng vốn, PTX hiện có vốn điều lệ gần 64 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex là công ty mẹ nắm giữ 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 51%.
Hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp là vận tải xăng dầu, bán buôn bán lẻ xăng dầu và đào tạo sát hạch lái xe cơ giới. Dịch vụ vận tải xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh nòng cốt với 81 đầu xe vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển cung ứng xăng dầu cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, một phần Thanh Hóa, Quảng Bình và nước Lào.
Với lĩnh vực chính là kinh doanh và vận tải xăng dầu, PTS Nghệ Tĩnh mang về hàng nghìn tỷ doanh thu mỗi năm (ngoại trừ 2020 do ảnh hưởng của Covid). 2020 cũng là năm duy nhất doanh nghiệp này đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2023 vừa qua, lợi nhuận sau thuế của PTS Nghệ Tĩnh tăng hơn 21% lên 12,5 tỷ đồng, cao kỷ lục từ khi hoạt động.
Sang năm 2024, doanh nghiệp dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 1.843 tỷ đồng và 10,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 14% so với mức thực hiện năm trước. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến đạt 10%, thấp hơn năm 2023.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2024, doanh thu 6 tháng đầu năm nay của PTX đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của PTX đạt 7,56 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Dù lãi nhích lên, song với doanh thu cả nghìn tỷ, biên lãi gộp của PTX khá mỏng dù đã được cải thiện từ 6% lên 7% trong nửa đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận