Cổ phiếu LHG tăng nóng, dòng tiền bỏ qua nỗi lo
Kể từ thời điểm ra báo cáo tài chính quý II/2020 ngày 20/7 tới ngày 11/8, giá cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu tăng 29,2%, trong khi VN-Index giảm 2,1%.
Ðộng lực tăng giá cổ phiếu
LHG công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu thuần đạt 181,2 tỷ đồng tăng 68%; lợi nhuận sau thuế đạt 43,7 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 387,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 106,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 38,2% và 35,2% so với cùng kỳ, hoàn thành 87,2% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Ðược biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của LHG tăng trưởng chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, khi lợi nhuận gộp tăng 35,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 28,1% so với cùng kỳ, lên mức 163,7 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, cơ cấu doanh thu thuần trong quý II/2020 bao gồm doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây dựng sẵn theo yêu cầu, đạt 126,4 tỷ đồng, chiếm 69,8% tổng doanh thu thuần và tăng 108,2% so với cùng kỳ; doanh thu cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú là 30,3 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng doanh thu thuần và tăng 29,5% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động khác ghi nhận 24,5 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng doanh thu và tăng 3,4% so với cùng kỳ.
Một yếu tố khác tạo động lực tăng giá cổ phiếu là doanh nghiệp đã nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ 16% theo kế hoạch đầu năm lên 19% cho năm 2019 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/7/2020.
Mức cổ tức tương đối cao so với thị giá (trước ngày 20/7 dao động quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu) tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là người theo trường phái mua nắm giữ và nhận cổ tức hàng năm.
Ngoài ra, LHG có nhân tố mới trong Hội đồng quản trị (HÐQT). Do ông Phạm Xuân Trung - Chủ tịch HÐQT, ông Phùng Ðức Trí - Phó chủ tịch HÐQT và bà Ðoàn Thị Minh Trang - thành viên HÐQT có đơn từ nhiệm nên LHG đã bầu ông Ðỗ Quý Hiệp giữ vị trí Chủ tịch HÐQT, bà Trần Thị Hạnh Tiên là thành viên HÐQT, cả hai người được bầu mới đều được đề cử bởi cổ đông lớn là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, sở hữu 48,67% vốn tại LHG).
Giới đầu tư kỳ vọng hiệu ứng nhiệm kỳ sẽ giúp doanh nghiệp có sự cải thiện nhất định trong hoạt động, nhất là giai đoạn đầu của nhiệm kỳ mới.
Nỗ lo về khoản hoàn trả hơn 300 tỷ đồng
Ngày 23/8/2018, LHG nhận được yêu cầu từ IPC về việc hoàn trả chi phí bố trí tái định cư Long Hậu cho cho dự án Khu công nghiệp Long Hậu 1 với số tiền ước tính khoảng 328,7 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/8/2007, LHG nhận được văn bản về việc hoàn trả các khoản chi phí do IPC đã chi trước đây để phát triển dự án là 58,15 tỷ đồng.
Ngày 19/4/2018, hai bên thoả thuận nguyên tắc về việc hoàn trả chi phí bố trí tái định cư. Trong năm 2018, LHG tạm ứng 59,19 tỷ đồng (bao gồm VAT) theo yêu cầu thoả thuận và năm 2019 đã xuất hoá đơn cho khoản tạm ứng này.
Hiện tại, LHG và IPC chưa thống nhất về hoàn trả các khoản chi phí, nhưng nếu thực hiện theo yêu cầu ngày 23/8/2018 của IPC thì số tiền 328,7 tỷ đồng là không nhỏ, chiếm gần 12,9% tổng tài sản tính đến cuối tháng 6/2020, có thể ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính Công ty.
Ngoài ra, lợi nhuận năm 2018 của LHG là 175,98 tỷ đồng, trong đó 38,4 tỷ đồng là lợi nhuận tài chính, chủ yếu lãi tiền gửi; năm 2019, lợi nhuận là 142,7 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận tài chính 28,7 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2020, doanh nghiệp sở hữu 634 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn, chiếm 24,8% tổng tài sản và là nguồn doanh thu tài chính quan trọng. Việc hoàn trả thêm cho IPC nếu được ghi nhận sẽ làm giảm lượng tiền mặt, tương ứng sẽ làm giảm doanh thu tài chính các kỳ sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận