menu
24hmoney

Bài của Mai Lan

MBS: Khuyến nghị mua dành cho KBC
Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo lần đầu dành cho Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) với những dự báo tích cực.
MBS cho rằng, KBC là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam và chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc nhờ vị thế lớn trong ngành bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh đó, KBC đã có kinh nghiệm hợp tác với các đối tác lớn như Samsung, LG, Heesung Electronics...
KBC đang quản lý một diện tích bất động sản khu công nghiệp lớn hơn 4.713 ha, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với nhiều khu công nghiệp (KCN) có lợi thế cạnh tranh thu hút được đối tác nước nước ngoài như KCN Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng)...
Ngoài ra, KBC cũng có những KCN lớn ở TP. HCM như Tân Phú Trung, hiện đang là một trong những KCN lớn có tỷ lệ lấp đầy cao nhất khu vực miền Nam.
Trong thời gian tới, những dự án như KCN Tràng Duệ hay KĐT Tràng Cát sẽ đem lại nguồn thu lớn cho KBC. Mới đây, KCN Tràng Duệ III (diện tích 687 ha) đã nhận phê duyệt quan trọng sau 3,5 năm; dự án khu đô thị Tràng Cát gần như hoàn tất việc đền bù, nộp tiền sử dụng đất và được chính quyền TP. Hải Phòng bàn giao hiện trạng đất trên thực địa cho KBC để làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa vào vận hành khai thác kinh doanh. Những dự án này dự kiến sẽ đem lại nguồn thu cực lớn cho KBC trong 10 năm tới.
Hiện MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC với giá mục tiêu là 57.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng mức sinh lời 30% so với giá đóng cửa phiên 23/9 nhờ sử dụng phương pháp RNAV.
Rủi ro đầu tư bao gồm việc các KCN của KBC bắt đầu được lấp đầy và tiến trình mở rộng quỹ đất được dự báo sẽ có nhiều khó khăn do giá đất tăng nhanh, ảnh hưởng đến lợi suất của các dự án trong tương lai.
Mặt khác, việc chuyển dịch của các nhà sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu quá rõ ràng, cùng với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp diễn ra từ quý II đã làm giảm đi sức hút FDI của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến nhu cầu thuê đất bất động sản khu công nghiệp trong tương lai.
VCSC: Khuyến nghị nắm giữ đối với DCM
Hiện nay, giá Ure Trung Quốc đang tác động rất lớn đến giá Ure Việt Nam và thế giới. Theo đó, các nhà máy Ure tại Trung Quốc hầu hết sử dụng than đá làm nguyên liệu chính. Giá than đá nội địa Trung Quốc đã tăng hơn 70% so với đầu năm. Sự thiếu hụt nguồn cung than đá trong nước của Trung Quốc gây áp lực tăng giá lên rất nhiều ngành liên quan như sắt, thép, điện, hóa chất, phân bón…
Từng là nguồn cung phân Ure của thế giới với lượng Ure dư thừa xuất khẩu là 14 - 15 triệu tấn/năm, nhưng hiện tại, Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu, dẫn tới nhu cầu ở các nước đối tác truyền thống của Trung Quốc như Ấn Độ và Pakistan tăng manh, đây cũng là các thị trường xuất khẩu chính của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) trong năm 2021.
Trước diễn biến này, tính đến quý III, giá phân bón Ure trong nước đã tăng trung bình 75 – 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá Ure sẽ khó có thể hạ nhiệt trong quý III do mùa đông tại Trung Quốc sắp đến gần dẫn đến nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng cao trong khi giá than vẫn tiếp tục lập đỉnh.
Ngoài ra với tình trạng thiếu điện rất nghiêm trọng tại Trung Quốc, VCBS dự phóng giá phân bón tiếp tục tăng thêm 5% trong cuối quý III – đầu quý IV.
Về DCM, sản lượng quý IV dự kiến giảm do bảo dưỡng nhà máy phân Ure Cà Mau. Cụ thể, nhà máy phân bón Ure Cà Mau có lịch bảo dưỡng trong quý IV tới, do đó, VCBS đánh giá sản lượng nửa cuối năm 2021 sẽ đạt ở mức 98% công suất thiết kế so với hiệu suất vận hành 115% công suất thiết kế trong 6 tháng đầu năm.
Nhìn chung, sự tăng giá mặt hàng phân bón Ure trên thế giới tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh xuất khẩu phân Ure của Việt Nam. VCBS cho rằng diễn biến giá phân Ure thế giới sẽ gắn liền với diễn biến giá nguyên liệu là khí thiên nhiên và than đá (giá các loại nguyên liệu này ở một vài khu vực đang thể hiện mức tăng đáng kể).
Trong khi về mặt sản lượng, sản lượng Ure sản xuất của DCM được xem như “không còn khả năng tăng trưởng”. Lợi nhuận từ mảng Ure sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến giá Ure trong tương lai. Riêng về nhà máy NPK, VCBS kỳ vọng DCM có thể hoàn tất các quy trình để đưa nhà máy vào vận hành với hiệu suất cao trong năm 2022.
Từ đó, VCBS khuyến nghị nắm giữ đối với DCM với mức giá mục tiêu là 24.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 2% so với giá chốt phiên 23/9.
PHS: Khuyến nghị mua DPG với giá mục tiêu 55.100 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Đạt Phương (HoSE: DPG) là nhà thầu xây dựng, đã tham gia nhiều dự án tiêu biểu, đặc biệt là những cây cầu ở các tỉnh trải dài Việt Nam, từ Bắc vào Nam. Bắt đầu kinh doanh là nhà thầu xây dựng, DPG đã mở rộng các mảng kinh doanh của mình sang sản xuất điện và phát triển bất động sản (BĐS).
Hiện tại, DPG có 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 98 MW tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. DPG cũng có 235 ha đất ở Quảng Nam.
Cập nhật về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, DPG ghi nhận 986 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ở mức 231 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 225% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng ấn tượng của lợi nhuận chủ yếu từ mảng thủy điện - mảng kinh doanh đã gặp khá nhiều thuận lợi nhờ thời tiết trong thời gian qua.
Về mảng bất động sản, DPG cũng đã bắt đầu mở bán dự án mới trong 2 quý đầu năm. Điều này có thể mang lại nguồn doanh thu từ mảng này trong 6 tháng cuối năm.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự phóng, DPG sẽ có doanh thu năm 2021 vào khoản 1.934 tỷ đồng (giảm 9% cùng kỳ) và 460 tỷ lợi nhuận sau thuế (tăng 95% cùng kỳ). Mức giảm trong doanh thu là do giãn cách xã hội áp dụng ở Việt Nam trong quý III, còn mức tăng của lợi nhuận nhờ vào mức đóng góp của mảng thủy điện.
PHS cho rằng, nhờ thời tiết thuận lợi, mảng thủy điện sẽ tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho DPG phát triển các mảng kinh doanh khác. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đã có những điều chỉnh trong quý III, điều này có thể giúp cho biên lợi nhuận của mảng xây dựng.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng mảng xây dựng sẽ có kết quả khả quan trong năm 2022, có thể là trong 6 tháng cuối năm 2022 khi giá nguyên vật liệu đã ổn định và Chính phủ tiếp tục gia tăng chi tiêu đầu tư công.
Cũng lưu ý rằng, DPG sở hữu quỹ đất ở Quảng Nam, tỉnh gần Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Đà Nẵng là trung tâm kinh tế ở miền Trung Việt Nam và Quảng Ngãi là trung tâm khu công nghiệp ở miền Trung. Phát triển bất động sản cao cấp ở Quảng Nam là chiến lược hợp lý để nhắm đến khách hàng cao cấp ở Đà Nẵng.
Về định giá cổ phiếu DPG, PHS sử dụng DCF cho mảng thủy điện và P/E cho mảng xây dựng, đối với mảng bất động sản, PHS sử dụng DCF cho 2 dự án đang phát triển và P/B với mục tiêu là 2 lần cho 2 dự án còn lại, mới chỉ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
PHS đưa ra mức giá hợp lý cho DPG là 55.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 12% giá đóng cửa phiên 23/9. Do đó, PHS khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn gây nhiều bất ổn cho ngành xây dựng và bất động sản ở Việt Nam, đồng thời DPG dùng đòn bẩy khá lớn, có thể gây áp lực lên dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp khi thị trường xấu đi sẽ là những rủi ro đối với khuyến nghị này.
Nhà đầu tư lưu ý
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

37.30

+0.20 (+0.54%)

Biểu đồ mã DCM

55.90

+0.90 (+1.64%)

Biểu đồ mã DPG
Xem thêm Xem thêm
38 Yêu thích
6 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ