Cổ phiếu bị cảnh báo, An Phát Holdings nói gì?
Cổ phiếu CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (HOSE: APH) bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 10/04 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán là số âm.
Quyết định trên được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa ra ngày 03/04. Cụ thể, vào đầu năm 2023, lãi sau thuế chưa phân phối của APH đạt 73.4 tỷ đồng nhưng đến cuối năm, con số này âm 171 tỷ đồng.
Theo Công ty, điều này do tháng 11/2023, hai công ty con là CTCP Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA) và CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (APC) đã nhận chuyển nhượng 18.3 triệu cổ phần của CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (APC1), tương đương tỷ lệ 49%, với tổng giá phí 603 tỷ đồng.
Tỷ lệ lợi ích của APH tại APC1 tăng từ 23.8% lên 47.51% sau giao dịch. Khoản chênh lệch 218.6 tỷ đồng giữa giá phí chuyển nhượng và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APC1 được ghi nhận làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phối phối đến ngày 31/12/2023 bị âm như đã đề cập.
Chi tiết vốn chủ sở hữu của APH đến cuối năm 2023. Nguồn: APH
Tuy nhiên, APH cho rằng năm 2023, Công ty thu lãi sau thuế 219 tỷ đồng, tăng đến 282% so với 2022, phần lớn nhờ giảm 30% chi phí bán hàng (chi phí dịch vụ mua ngoài giảm khoảng 246 tỷ đồng) nên có thể thấy các hoạt động kinh doanh đã đạt hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ so với trước đó.
Ngoài ra, APH sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và triển khai đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm và nguyên liệu nhựa sinh học, thân thiện với môi trường, khuyến khích và triển khai quyết liệt các sáng kiến cải tiến sản xuất trong nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm và có tính thực tiễn cao.
Doanh nghiệp nhựa đánh giá với tình hình kinh doanh hiện nay và định hướng của Công ty trong thời gian tới, đặc biệt sau khi tỷ lệ lợi ích tại APC1 tăng lên thì lợi nhuận đóng góp từ mảng bất động sản khu công nghiệp trên BCTC sẽ càng cao do APC1 được ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê, chuyển nhượng bất động sản khu công nghiệp. APH tin tưởng sẽ từng bước giảm dần các khoản lỗ lũy kế nêu trên.
Cụ thể hơn, APH kỳ vọng doanh thu thuần và lãi sau thuế năm nay lần lượt đạt 14,000 tỷ đồng và 360 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng lợi nhuận 64% so với thực hiện năm 2023, qua đó dự kiến bù đắp được khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm vào năm 2025.
Lật lại quá khứ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của APH cũng từng âm 225 tỷ đồng và 264 tỷ đồng trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018.
Trong một diễn biến khác, APH thông báo đã sử dụng toàn bộ 875 tỷ đồng số tiền huy động được từ 3 lô trái phiếu. Cụ thể, lô trái mã APH-BOND2020 (260 tỷ đồng) thực hiện chứng quyền của AAA. Lô thứ hai mã APHH2124001 (450 tỷ đồng) dùng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh, trong đó có mua bán nguyên vật liệu. Cuối cùng, lô APHH2325001 (165 tỷ đồng) dùng để thanh toán nợ gốc và lãi cho việc trả nợ trước hạn các hợp đồng vay giữa APH và các công ty trong cùng Tập đoàn.
Tính cả năm 2023 và quý 1/2024, APH thanh toán đầy đủ cho các trái chủ tổng cộng 329 tỷ đồng gốc và lãi phải trả, qua đó đưa dư nợ gốc lô trái phiếu APH-BOND2020 về bằng không. Lô APHH2124001 còn đang nợ lại 302 tỷ đồng (tính đến 31/12/2023), đáo hạn theo kế hoạch vào ngày 01/04/2024.
Như vậy, doanh nghiệp nhựa hiện còn lưu hành lô trái phiếu APHH2325001, dự kiến đáo hạn vào ngày 15/09/2025. Đây là khoản APH vay từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với số tiền 165 tỷ đồng trong 2 năm, lãi suất cố định 11%/năm và được bảo đảm bằng tài sản của APH và/hoặc tài sản của bên thứ ba.
Diễn biến thanh toán gốc lãi trong năm 2023 của APH. Nguồn: APH
Tử Kính
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận