Cổ phiếu AGG “thăng hoa” gần 44.000 đồng/cổ phiếu, có còn hấp dẫn?
Bất ngờ xanh mạnh và bứt phá lên vùng gần 44.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia ghi nhận mức tăng đến 53% từ đầu năm đến nay. Với mức giá này, liệu AGG có còn hấp dẫn ?
Hơn 1 năm niêm yết, giá cổ phiếu tăng 75%
So với giá chào sàn ngày 9/1/2020 là 25.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu AGG tăng hơn 75%, góp phần đưa vốn hóa từ mức 1.900 tỷ đồng lên hơn 3.620 tỷ đồng. Diễn biến giá cổ phiếu tăng trưởng tích cực cũng đã thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên ở mức cao, gần 1,89 triệu cổ phiếu (1/1/2021-20/4/2021) và trên 1,92 triệu cổ phiếu trong một tháng gần nhất.
Nhìn lại lịch sử giao dịch cổ phiếu AGG trong giai đoạn này cho thấy, bức tranh chung là uptrend và không bị tác động quá mạnh bởi các phiên chao đảo của thị trường. Thậm chí, có nhóm nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu AGG còn cho rằng: “AGG đặc biệt lội ngược dòng khi thị trường có rung lắc mạnh. Giá cổ phiếu được giữ khá tốt ở vùng 41.000 - 42.000 đồng”. Các nhà đầu tư này tỏ ra rất vui mừng và có phần bất ngờ khi AGG có sự bứt phá trên mức 43.000 đồng/cổ phiếu trong 2 phiên đầu tuần.
Với mức giá trên, PE trailing (trượt 4 quý gần nhất) khoảng 8,7 lần, (EPS năm 2020 là 5.027 đồng), đây là mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, thường có P/E từ 12 - 14 lần.
Vấn đề này cũng được cổ đông thắc mắc trong ĐHCĐ thường niên 2021 vừa qua, rằng giá cổ phiếu AGG có đang cao? Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nếu tính toán theo PE ngang các doanh nghiệp cùng ngành và tốc độ tăng trưởng AGG đảm bảo ít nhất 20%, thì thị giá tương ứng khoảng 60.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu. Sau chia cổ tức, phát hành cổ phiếu, giá điều chỉnh về 30.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu – vẫn là mức hấp dẫn.
Trong bối cảnh tiềm năng về quỹ đất được mở rộng khi thị trường bất động sản hồi phục sau đại dịch, mới đây, CTCP Chứng khoán MB (MBS) nâng giá mục tiêu AGG từ 43.300 đồng lên 60.500 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu được xác định dựa trên phương pháp RNAV.
Các luận điểm đầu tư chính được MBS đưa ra bao gồm, hoạt động M&A mở rộng quỹ đất vẫn diễn ra tích cực; sở hữu quỹ đất tại khu vực TP.HCM tiềm năng; duy trì đòn bẩy thấp nhờ khả năng bán hàng tốt, dòng tiền dự án được đảm bảo. Và kỳ vọng năm 2021, AGG sẽ đạt được doanh thu 3.426 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng – đây cũng là con số kế hoạch đã được ĐHCĐ 2021 AGG thông qua.
Nếu hoàn thành kế hoạch này, MBS ước tính EPS forward năm 2021 là 3.882 đồng (đã tính kế hoạch tăng vốn 1:1 và chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu).
Năm 2021, kế hoạch lãi 500 tỷ đồng có khả thi?
Đáng chú ý, AGG đang có số tiền khách hàng trả trước đạt hơn 2.553 tỷ (chiếm 26% tổng tài sản) – cho thấy tiến độ bán hàng của AGG khá tốt và là của để dành của AGG cho năm nay và các năm sau.
Theo kế hoạch, năm 2021, AGG sẽ bàn giao nốt dự án River Panorama và một phần dự án Sky 89, The Sóng. Hai dự án này hiện tại đã bán 90-100% và sẽ bàn giao vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Lãnh đạo AGG cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2021 khá chắc chắn, dựa trên tiến độ bàn giao các dự án này.
Đối với các dự án gối đầu, AGG sẽ cho ra mắt giỏ hàng mới các dự án Westgate tại Bình Chánh, dự án The Standard tại Bình Dương. Ngoài ra, dự án The Signal đã hoàn thành phần hầm móng, dự kiến đưa ra thị trường trong tháng 6/2021 (có thể sẽ bán thêm 600 sản phẩm từ dự án này). Đồng thời, cuối năm 2021, AGG cũng sẽ ra mắt dự án The Gió quy mô 3ha tại Bình Dương, ước tính cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 căn hộ.
Hiện tại, AGG đang tập trung phát triển dự án nhà ở vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực trên thị trường bất động sản. Do đó, nguồn cung sản phẩm của Công ty luôn được khách hàng đón nhận. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cao cấp giúp AGG có giá chào bán cao hơn từ 15 - 20% giá trị so với các dự án cùng cùng phân khúc.
Sắp có thêm 50 ha quỹ đất ở Bình Dương
Xét về quỹ đất, tại TP.HCM, AGG đang sở hữu gần 27 ha ở khu vực Bình Chánh, hơn 5 ha ở khu vực quận 7, trong đó dự án Westgate của AGG tại Bình Chánh hiện tại đã bán khoảng hơn 1.000 căn trong năm 2020, cho thấy tiềm năng lớn từ khu vực này.
An Gia từng công bố mỗi năm dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua quỹ đất là để phục vụ cho 3 năm tiếp theo. Theo đó, hoạt động M&A mở rộng quỹ đất diễn ra khá tích cực. Mới đây, AGG cho biết, Công ty đang đi tới các bước cuối cùng để mua lại quỹ đất 50 ha tại Bình Dương, có thể giúp Doanh thu, Lợi nhuận AGG đột biến trong tương lai, có thể tăng đến 30 - 35%, so với kế hoạch tăng trưởng 20 - 25% mỗi năm.
Đặc biệt, AGG cũng mới vừa hoàn tất việc chuyển nhượng dự án của Năm Bảy Bảy về tên An Gia. Theo lãnh đạo An Gia, quỹ đất này rất tiềm năng, hoàn thiện pháp lý thì có thể có 7.000 - 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng. Công ty đang lập quy hoạch 1/2000, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường nửa đầu năm 2022. Đây là dự án trọng điểm và ước tính mang về lợi nhuận 4.000 tỷ đồng.
Với chiến lược phát triển thận trọng, AGG luôn tiềm kiếm các quỹ đất đã hoàn thiện thủ tục pháp lý từ đó giúp AGG dễ dàng trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cũng như nhanh chóng triển khai xây dựng dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận