Cổ phần hóa “rùa bò”: Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong DN chưa cao
Theo kế hoạch còn 89 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa và 250 doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn tính đến hết năm 2020. Việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Cổ phần hóa "rùa bò", mục tiêu tiếp tục bị đẩy lùi thời hạn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đước Phớc được ủy quyền của Thủ tướng, gửi báo cáo của Chính phủ tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2020.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, mặc dù đã có sự chỉ đạo nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhưng mục tiêu CPH vẫn tiếp tục bị đẩy lùi thời hạn.
Lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là gần 490 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục CPH theo công văn số 991/TTg – ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (đạt 30% kế hoạch).
Trong đó, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (Nhà đầu tư chiến lược, cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) là gần 99 nghìn tỷ đồng – tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN.
Tổng giá trị thực tế bán được là gần 23 nghìn tỷ (Đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN).
Số DN chưa hoàn thiện CPH trong năm 2020 là 89 doanh nghiệp. Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH năm 2020 bao gồm: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 DN (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN cổ phần hóa 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 2 DN (1 Tổng công ty); Bộ xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2020 đạt hơn 27,3 nghìn tỷ đồng, thu về 177,4 nghìn tỷ. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn trên 17 nghìn tỷ, thu về 53,4 nghìn tỷ đồng.
Cổ phần hóa, thoái vốn còn hình thức, thiếu chế tài mạnh
Đánh giá về những tồn tại hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đước Phớc nêu rõ, việc nghiên cứu, xây dựng ban hành, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị liên quan dẫn đến kéo dài thời gian. Chưa có chế tài đủ mạnh để mang tính răn đe đối với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành/không triển khai thực hiện CPH, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Về công tác triển khai, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại DN chưa được quan tâm nghiêm túc như: số lượng doanh nghiệp CPH đã vượt kế hoạch đề ra, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp CPH ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp CPH theo kế hoạch.
Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện CPH, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng kế hoạch như TP.Hà Nội ( kế hoạch CPH 15 DN, kết thúc giai đoạn CPH được 1 DN); TP.HCM (kế hoạch CPH 39 doanh nghiệp (kết thúc giai đoạn chưa hoàn thành CPH doanh nghiệp nào).
Ngoài ra, việc quyết toán CPH chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để kéo dài tại một số DN sau CPH.
Về nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân khách quan như tình hình phức tạp, căng thẳng trong các quan hệ kinh tế chính trị trên thế giới và khu vực ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước; diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19; các DN thực hiện CPH giai đoạn vừa qua hầu hết là những doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp và sở hữu nhiều đất đai,... còn có nhiều nguyên nhân chủ quan khiến cho quá trình CPH chưa đạt kỳ vọng.
Đó là, tư duy và nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Hai là, công tác lập kế hoạch CPH, thoái vốn còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát thức tế. Đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ CPH.
Bà là, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ sở hữu vốn, còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển triển mạnh có tỷ suất sinh lời cao làm chậm tiến độ thoái vốn.
Bốn là, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa tốt, tiến độ phê duyệt còn chậm, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận