24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Nguyên Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Nhiều vướng mắc, chưa đảm bảo mục tiêu đề ra

 Sau nhiều năm triển khai thực hiện, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn danh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 – 2020 cổ phần hóa mới đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vì sao cổ phần hóa mới đạt 30% kế hoạch?

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, ghi nhận 180 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), tổng giá trị thực tế bán được đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm 2021 đã cổ phần hóa 4 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 196 tỷ đồng, gồm 3 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 278 tỷ đồng.

Về thoái vốn Nhà nước, năm 2021 đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Trong tháng 9 tháng năm 2022 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 48,3 tỷ đồng, thu về 109,1 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 466 tỷ đồng, thu về 2.289,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020 đã thoái 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn.

Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 đạt trên 220.000 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011-2015 (78.000 tỷ đồng). Số tiền chuyển ngân sách Nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội đạt 221.700/ 250.000 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch.

Giai đoạn 2016-2020 đã cổ phần hóa, thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam; các Tổng công ty: Điện lực dầu khí, Dầu Việt Nam, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Phát điện 3, Phát điện 2, Sông Đà… Nhiều thương vụ thoái vốn đạt hiệu quả cao như Vinamilk, Sabeco, Vinaconex…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đạt nhiều kết quả tích cực, song còn chậm và chưa đảm bảo mục tiêu đề ra do doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Cùng với đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất thực hiện cổ phần hóa… gặp nhiều khó khăn.

Một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp, xử lý nhà, đất…

Cần sự vào cuộc quyết liệt từ các Bộ, ngành, địa phương

Thừa nhận việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì mới đây, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm so với kế hoạch đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020. Các doanh nghiệp chưa hoàn thành được gia hạn thời gian và tiếp tục triển khai trong năm 2021 nhưng đến nay, tiến độ cũng chưa đạt yêu cầu đề ra.

“Một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo của cổ phần hóa. Nhiều địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử…”, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long chia sẻ.

Để đảm bảo mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước, phải tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự nhất trí cao và có hành động quyết liệt, cụ thể trong đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành tiếp tục triển khai có kết quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế, khung pháp lý đảm bảo chặt chẽ, khả thi; thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.

Các Bộ ngành theo nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Thực hiện Văn bản chỉ đạo số 348/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, hiện các địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện.

Theo thông tin từ phía UBND tỉnh Sơn La, Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản số 4499/UBND-TH về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có kết quả các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2022- 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Sở Tài chính tiếp tục rà soát các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP… kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Minh Châu

Theo

Link gốc:

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả