24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ “lột xác”

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuận lợi trong việc thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây vừa là cơ hội nhưng vừa là thách thức để công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vượt qua và bứt tốc trong năm 2022 cũng như thời gian tới.

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Năm 2021, xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019 khi chưa có dịch. Năm 2022, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu lên tới 43,5 tỷ USD. Song khó khăn nhất với ngành này vẫn nằm ở bài toán nguyên liệu.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, ngành dệt may đang phải nhập khẩu từ 65-70% nguyên phụ liệu, trong đó phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may Việt Nam mạnh về sợi, may nhưng hổng về dệt nhuộm. Việt Nam xuất sợi sang Trung Quốc sau đó lại nhập vải về Việt Nam.

“Tại sao Trung Quốc phát triển công nghiệp đa ngành nghề nhưng họ vẫn giữ ngành may là lõi, hay Ấn Độ cũng vậy?” Đặt ra câu hỏi này, ông Việt cũng chỉ ra “Nếu xử lý nước thải tốt thì lo gì ô nhiễm. Chúng ta cần bỏ tư duy cứ nói đến dệt nhuộm là lo ô nhiễm môi trường. Nếu lỗ hổng này không được khắc phục thì việc chủ động nguyên phụ liệu để tận dụng các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA sẽ rất khó khăn”.

Hơn thế, yêu cầu của Hiệp định CPTPP xuất xứ từ sợi trở đi. Trong khi hiện ngành dệt may vẫn trong vòng luẩn quẩn là nhập bông về xe sợi, song bán sợi rồi lại nhập vải.

Hay với ngành ô tô, số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của ngành là chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Theo Cục Công nghiệp, mặc dù đã có sự gia tăng trong thời gian qua, tuy nhiên doanh nghiệp CNHT cho ngành ô tô Việt Nam phát triển chậm về số lượng và yếu chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Trong khi Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3 trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.

Ngay cả với công nghiệp điện tử - mảnh đất được đánh giá là màu mỡ để thu hút nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã và sẽ đầu tư như Samsung, Intel, Apple, Cano, LG, Foxconn... Song thống kê tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các DN CNHT ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các DN nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các DN FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các DN FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt”, Cục Công nghiệp nêu cụ thể. Thực trạng này tương tự với nhiều ngành như cơ khí, da giày.

Tương lai ở phía trước

Nhìn nhận thực trạng phát triển, tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Nghị quyết cũng đưa ra nhiều hỗ trợ đi kèm như cấp bù chênh lệch lãi suất cho doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại. Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù tối đa là 5%/năm.

So với mục tiêu đặt ra năm 2025, thì Việt Nam đã đi được gần một nửa chặng đường. Nhưng để về đích đúng tiến độ rõ ràng cần nhiều chuyển biến đột phá hơn. Đồng thời trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước có hạn, Việt Nam cần tập trung phát triển vào những lĩnh vực CNHT tiềm năng, có lợi thế phát triển của mình thay vì phát triển dàn trải.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã từng khuyến cáo chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam không thể mang hình hài “quả mít", rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không rõ đâu là ưu tiên, đâu là đột phá. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi điều này. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cần những doanh nghiệp quy mô tầm trung tham gia vào hoạt động sản xuất các nguyên vật liệu, để gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, thay vì phụ thuộc nhập khẩu.

Lấy ví dụ từ thành công phát triển ngành công nghiệp của Hàn Quốc, bà Lan cho hay họ phát triển theo cách riêng, học hỏi Nhật Bản - Mỹ, Đức và vận dụng để phát triển các doanh nghiệp dân tộc, không vội mời FDI mà chỉ sau khi doanh nghiệp nội có tiềm lực để lấy làm đối trọng với nhau.

Lấy ví dụ từ ngành công nghiệp cơ khí, PGS-TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng. “Tại sao chúng ta cứ phải nhập khẩu từng đoàn tàu từ Trung Quốc, Nhật Bản, đi kèm các phụ tùng của nó. Mà không nghiên cứu phát triển để hình thành ngành công nghiệp đường sắt. Ban đầu chúng ta có thể thu hút một nhà máy từ nước ngoài vào làm công nghiệp đường sắt, mua công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ họ. Đây là nền móng để xây dựng cả ngành công nghiệp đường sắt, tạo thuận lợi cho cả ngành cơ khí phát triển”.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam kiêm Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) chia sẻ, thời điểm hiện tại, nhiều cơ hội đang mở ra với ngành CNHT Việt Nam. Dịch Covid-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phải sắp xếp lại, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện tử Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ cao và công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, từ đó gia tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này cho thấy cơ hội của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Song để tận dụng được cơ hội, chính các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn, bà Hương nhắn nhủ đối tác lựa chọn nhà cung ứng theo cách “Đánh giá một doanh nghiệp không phải vì tài sản mà họ đang có mà là tiềm năng phát triển trong tương lai, đó phải là doanh nghiệp có nhiều triển vọng và thịnh vượng hơn”.

Những thông tin tích cực về ngành CNHT xuất hiện trong những ngày cuối năm 2021 khi Tổng công ty Cơ khí và CNHT (Thaco Industries) xuất khẩu lô hàng 870 sơmi rơ moóc đầu tiên sang thị trường Mỹ trong hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD ký kết với đối tác của Mỹ.

Rõ ràng cơ hội cho ngành CNHT là rất lớn, nếu như có chính sách gắn với từng lĩnh vực tiềm năng, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì CNHT Việt Nam sẽ phát triển. Chúng ta kỳ vọng CNHT sẽ có bước đột phá trong năm 2022, cùng với việc nhiều “đại bàng” công nghệ trên thế giới đến Việt Nam “xây tổ”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả