Cổ đông cần nhiều hơn sự thẳng thắn từ doanh nghiệp
Chủ động tiếp xúc, chia sẻ thông tin định kỳ và chuẩn hoá, nâng cao tính minh bạch tại mỗi văn bản công bố thông tin là hai yếu tố quan trọng. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp niêm yết gia tăng sự tin tưởng của các cổ đông cũng như thu hút nhà đầu tư tốt hơn.
‘Tấm gương’ phản chiếu doanh nghiệp
Với phần lớn nhà đầu tư lâu năm, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên là sự kiện công bố thông tin định kỳ là cơ sở để bản thân có cái nhìn sâu hơn về doanh nghiệp hay lãnh đạo doanh nghiệp trước khi quyết định tăng hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ. Sự thẳng thắn, minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp về khó khăn, thuận lợi của ngành và nội tại doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở để xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp.Cổ đông bỏ phiếu thông qua các tờ trình tại cuộc họp ĐHĐCĐ một ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội. Ảnh minh hoạ: H.T
Với Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, năm 2023 là giai đoạn khó khăn với lợi nhuận sau thuế âm 1.115 tỉ đồng, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT từng “thành khẩn nhận trách nhiệm vì không hoàn thành mục tiêu như kế hoạch đề ra” khi giữ vai trò là người dẫn dắt ‘con thuyền’ Hòa Bình.
Thực tế, sự thẳng thắn, chân thành của ông Hải đã tìm được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều cổ đông, đối tác, nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Cụ thể, tới thời điểm diễn ra cuộc họp ĐHĐCĐ, có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất đồng ý hoán đổi nợ bằng cổ phiếu HBC – tương ứng 821 tỉ đồng. Trong khi đó, có tối đa 100 cổ đông được tham gia hoán đổi nợ, với tổng giá trị dự kiến phát hành không vượt quá 740 tỉ đồng – theo phương án phát hành cổ hiếu đã được thông qua.
Với quí 1-2024, Hoà Bình đã phần nào phục hồi với lợi nhuận hợp nhất đạt gần 57 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng trúng nhiều gói thầu tại nước ngoài và ký kết một số gói thầu trong nước.
Với Tập đoàn Hoà Phát, các cuộc họp ĐHĐCĐ thường chứng kiến ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT thẳng thắn đối thoại cùng cổ đông.
Tại đại hội vừa qua, cổ đông chất vấn về định hướng “chỉ tập trung vào thép trong ngắn hạn” có phần đi ngược với tuyên bố “không ai có thể làm thép mãi được” của chính ông Long cách đây hai năm. Ông Long không ngần ngại thừa nhận, thị trường thép đang rất khốc liệt.
Năm 2023, ngành thép suy giảm về cả doanh thu và lợi nhuận do gặp khó khăn khi giá thế giới lao dốc, tạo sức ép lên mặt bằng trong nước. Nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng chậm lại từ cuối năm 2022 khi thị trường bất động sản ảm đạm. Doanh thu của Hoà Phát năm trước chỉ hơn 120.000 tỉ đồng – giảm 16%, lợi nhuận chỉ hơn 6.800 tỉ đồng – giảm 19%.
Với dự báo ngành thép vẫn còn khó khăn nên doanh nghiệp dồn toàn lực cho ngành thép. Ngoài ra, chiến lược đa ngành là không thay đổi, nhưng ở từng thời điểm cụ thể sẽ có bước đi khác nhau.
Với cổ đông, ông Long khuyến nghị nên dựa trên chiến lược của Hoà Phát lúc này là “ưu tiên nguồn lực để phát triển doanh nghiệp một cách hợp lý, sau đó mới chia cổ tức”. Doanh nghiệp dự kiến từ năm 2025 sẽ tiếp tục trả cổ tức tiền mặt.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại một số doanh nghiệp như Địa ốc Hoàng Quân, Thế giới Di động khi lãnh đạo doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và sai lầm trong chiến lược kinh doanh.
Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp chưa coi trọng quan hệ cổ đông, khi lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hỏi “cổ đông đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu” trong phần thảo luận tại cuộc họp.
Thậm chí, tại một số cuộc họp trực tuyến, thắc mắc của các cổ đông nhỏ lẻ bị phớt lờ. Chẳng hạn, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico, những câu hỏi của cổ đông về mối quan hệ giữa Vinamilk, Vilico và Mộc Châu Milk, kế hoạch sáp nhập Mộc Châu Milk của Vilico, dự định nâng sở hữu tại Vilico và Mộc Châu Milk của Vinamilk đều chỉ được phản hồi ngắn gọn là: “Không có kế hoạch”.
Hoặc mới đây, trong sự kiện Công ty Chứng khoán VNDirect và Công ty PVOIL bị hacker tấn công, nhà đầu tư gần như không thể tìm thấy thông tin giải thích cụ thể về tiến trình đối mặt với hacker cũng như cập nhật về tiến độ khắc phục sự cố – yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu.
Nhà đầu tư nhiều hơn sự thẳng thắn từ doanh nghiệp
Thực tế, những doanh nghiệp đầu ngành hoặc sở hữu cổ phiếu nằm trong nhóm bluechips luôn được đánh giá cao về tính minh bạch nhờ làm tốt công tác công bố thông tin định kỳ và quan hệ cổ đông/công chúng.
Một báo cáo khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 của Vietstock cũng cho kết quả tương tự. Có 44/72 doanh nghiệp vốn hóa lớn (Large Cap) đạt chuẩn công bố thông tin – tương đương 61% và là nhóm có tỷ lệ đạt chuẩn cao nhất. Nhóm vốn hóa vừa (Mid Cap) có 118/219 doanh nghiệp – tương đương tỷ lệ 54% đạt chuẩn, tỷ lệ này ở nhóm vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ (Small & Microcap) là 46%.
Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng thông tin giữa cổ đông nhỏ và các thành phần còn lại như doanh nghiệp niêm yết, tổ chức trung gian, cổ đông lớn, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã tăng cường mức độ bảo vệ cổ đông thiểu số. Điển hình là quy định nhóm cổ đông sở hữu 5% cổ phần (trước đây là 10% – PV) có quyền xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của HĐQT và các báo cáo định kỳ. Ngoài ra, nhóm này có thể yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn của các cá nhân nhỏ lẻ, việc thực hiện quyền lợi là khó. Do đó, TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) cho rằng, việc thanh tra giám sát thị trường để nâng cao minh bạch thông tin thị trường là rất quan trọng.
Cụ thể, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng.
Với các công ty đại chúng, cần triển khai áp dụng Thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN, được ban hành năm 2011 dựa trên các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD). Việc này sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng Bộ Tài chính cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sở hữu quy mô vốn hóa vừa và nhỏ chuyển đổi chuẩn mực chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, từ VAS sang IFRS.
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Minh, một nhà đầu tư một có gần 10 năm tham gia thị trường chứng khoán, mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư theo hình thức trực tiếp/trực tuyến định kỳ hàng tháng hoặc quí với cổ đông. Trước mắt, có thể là các doanh nghiệp trong nhóm VN30 và sau đó lan tỏa ra các doanh nghiệp khác.
Theo ông Minh, các doanh nghiệp chú trọng đến hoạt động công bố thông tin cũng là gián tiếp thu hút nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Ngược lại, những doanh nghiệp không công bố thông tin đầy đủ, minh bạch… khó có thể xây dựng niềm tin với nhà đầu tư.
Thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp vi phạm về công bố thông tin, gian lận tài chính, thiếu tôn trọng cổ đông trong đại hội, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố vì hành vi lừa dối khách hàng. Những sự vụ này khiến thị trường chứng khoán có nhiều phen lao đao. Do đó, cổ đông vẫn cần nhiều hơn sự thẳng thắn của doanh nghiệp để môi trường đầu tư trên thị trường chứng khoán lành mạnh hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận