CII ước tính “lỗ” 172,39 tỷ đồng khi bán ra toàn bộ 31,8 triệu cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII - sàn HoSE) bật tăng 76,7% từ đáy, Công ty nhanh chóng “cắt lỗ” toàn bộ 31,7 triệu cổ phiếu quỹ, ước tính lỗ 172,39 tỷ đồng.
Cụ thể, từ ngày 12/6 đến ngày 26/6, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã bán ra toàn bộ 31.797.370 cổ phiếu quỹ với giá trung bình 17.757 đồng/cổ phiếu, ước tính số tiền thu được là khoảng 564,63 tỷ đồng để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu quỹ.
Trong đó, phương án bán trực tiếp trên sàn cho nhà đầu tư.
Được biết, tính tới 31/3/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đang ghi nhận giá trị cổ phiếu quỹ là 737,02 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 31.797.370 cổ phiếu quỹ. Như vậy, giá trị sổ sách đang ghi nhận của cổ phiếu quỹ là 23.179 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, ước tính Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM sẽ có thể “lỗ” 172,39 tỷ đồng do việc bán ra toàn bộ 31,8 triệu cổ phiếu quỹ.
Theo tìm hiểu, mặc dù việc bán cổ phiếu quỹ có thể cao hơn hoặc thấp hơn thị trường nhưng sẽ không hợp nhất vào Báo cáo kết quả kinh doanh, hạch toán trực tiếp vào Bảng cân đối kế toán. Trong đó, trường hợp của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, bán giá thấp hơn giá mua khoảng 172,39 tỷ đồng, điều này sẽ giảm trực tiếp vốn chủ sở hữu tương ứng trong quý II/2023 (phần vốn chủ sở hữu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC tài khoản 419 – Cổ phiếu quỹ quy định nếu tái phát hành cổ phiếu quỹ ra thị trường với giá thấp hơn giá thực tế mua vào cổ phiếu quỹ sẽ ghi nợ các tài khoản 111, 112 (tổng giá thanh toán tái phát hành cổ phiếu), nợ tài khoản 4112 – thặng dư vốn cổ phần (chênh lệch giữa giá tái phát hành thấp hơn giá thực tế mua lại), và có tài khoản 419 – cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu).
Như vậy, về bản chất, giao dịch bán cổ phiếu quỹ là lỗ nhưng không ghi nhận vào Báo cáo kết quả kinh doanh, hạch toán trực tiếp vào Bảng cân đối kế toán.
Ngoài ra, thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 26/6/2023, cổ phiếu CII bật tăng 76,7% từ 10.750 đồng lên 19.000 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động cốt lõi ghi nhận lỗ 168,66 tỷ đồng trong quý I/2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu đạt 748,05 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 34,84 tỷ đồng, giảm 94,9% so với thực hiện trong quý I/2022.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 16,66 tỷ đồng, lên 275,66 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 76,3%, tương ứng giảm 698,41 tỷ đồng, về 217,29 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 5,3%, tương ứng giảm 19,33 tỷ đồng, về 342,45 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15%, tương ứng giảm 17,99 tỷ đồng, về 101,87 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM ghi nhận lỗ 168,66 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 222,64 tỷ đồng.
Như vậy, Công ty thoát lỗ trong quý đầu năm 2023 do doanh thu tài chính. Tuy nhiên, việc doanh thu tài chính suy giảm dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm sâu.
Công ty thuyết minh doanh thu tài chính lao dốc chủ yếu do kỳ này ghi nhận 0,93 tỷ đồng lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính so với cùng kỳ 775,7 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, trong quý I/2023, dòng tiền kinh doanh chính của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đã quay trở lại xu hướng và tiếp tục âm 146,95 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 201,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 571,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 644,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, Công ty tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, xét về dòng tiền kinh doanh chính, năm 2020 ghi nhận âm 1.393,9 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận âm 881,7 tỷ đồng và năm 2022 ghi nhận dương 973 tỷ đồng.
Áp lực nợ đến hạn trong 1 năm lên tới 1.299,6 tỷ đồng
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM tăng 1,6% so với đầu năm, lên 29.006 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 8.422,8 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 5.843,4 tỷ đồng, chiếm 20,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 5.390,5 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác ghi nhận 3.106,2 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 4,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 650,2 tỷ đồng, lên 15.232,5 tỷ đồng và bằng 183% vốn chủ sở hữu.
Trong đó, lịch trả nợ 1 năm là 1.299,6 tỷ đồng; trong năm thứ hai là 2.295,9 tỷ đồng … Ngược lại, tính tới 31/3/2023, tổng tiền mặt của Công ty là 836,3 tỷ đồng, chiếm 2,9% tổng tài sản.
Huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi từ cổ đông
Trong năm 2023, đối với trái phiếu, Công ty dự kiến tạm dừng thực hiện chuyển đổi đợt 5 dự kiến ngày 3/5/2023 của trái phiếu chuyển đổi mã CII42013.
Bên cạnh đó, Công ty dự kiến phát hành hai gói trái phiếu với tổng mệnh giá 4.500 tỷ đồng, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền; đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu.
Lãi suất của hai lô trái phiếu này đều được trả 3 tháng một lần, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu và sau đó thả nổi với biên độ 2,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng tại Vietcombank và VietinBank.
Trong đó, riêng gói 2, Công ty dự kiến huy động 1.977,78 tỷ đồng, mục đích huy động vốn để thanh toán 500 tỷ đồng trái phiếu CIIB2024009; thanh toán 590 tỷ đồng trái phiếu CIIB2124001; góp vốn và/hoặc đầu tư trái phiếu Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận.
Điểm đáng lưu ý, tại Đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức ngày 24/5, nhiều cổ đông thắc mắc việc huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi và tổ chức tài chính cộng với dư nợ hiện tại sẽ khiến tổng nợ của CII tăng lên mức 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ thu phí của CII chỉ đạt hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Các cổ đông đề nghị Công ty chia sẻ phương hướng trả nợ.
Giải đáp thắc mắc của cổ đông, Tổng giám đốc Lê Quốc Bình cho biết bản chất là không tăng dư nợ do số tiền huy động sẽ dùng để hoán đổi các khoản nợ hiện tại.
Còn về doanh thu, năm nay doanh thu thu phí dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, CII không đầu tư mới nên toàn bộ số tiền thu về sẽ được dùng để trả lãi các khoản nợ. Mặt khác, trong các năm sau, lưu lượng xe sẽ tăng lên, cộng với phí thu cũng sẽ tăng theo chu kỳ 3 năm, qua đó doanh thu sẽ càng ngày càng tăng, tốc độ trả nợ cũng sẽ nhanh hơn.
Tuy nhiên, cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay lần 1 vào ngày 26/4 (không tổ chức được do nhà đầu tư tham gia không đủ tỷ lệ), Tổng giám đốc Lê Quốc Bình từng chia sẻ bên lề Đại hội nếu không phát hành thành công (2 lô trái phiếu chuyển đổi - tổng giá trị 4.500 tỷ đồng) thì bao nhiêu tiền ngân hàng nuốt hết; có tiền nhưng không thể nhận, nên cổ đông có thể phải đợi trả xong nợ ngân hàng mới được chia cổ tức.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/6, cổ phiếu CII tăng 150 đồng lên 19.000 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận