Chuyên gia WB nói về 'lời nguyền' lúa gạo Việt chưa thể vượt qua
“Đem lại thu nhập cho người trồng lúa được cao hơn là lời nguyền chưa vượt qua được, cộng thêm thách thức gần đây là biến đổi khí hậu càng làm cho mục tiêu này khó đạt. Cho dù xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới đi nữa thì vẫn còn nợ rất nhiều người nông dân”.
Đó là trăn trở của chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - ông Cao Thăng Bình - tại hội thảo tham vấn Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” vừa diễn ra tại Hậu Giang.
Dẫn lại 3 “lời nguyền” của ngành lúa gạo, ông Bình cho hay, có hai lời nguyền đã vượt qua. Thứ nhất đó là vấn đề năng suất, từ chỗ không đủ lương thực, Việt Nam đã vươn lên xuất khẩu top đầu thế giới. Thứ hai là chưa bao giờ nghĩ sẽ vượt được Thái Lan về chất lượng gạo nhưng gần đây đã làm được.
“Đó là hai lời nguyền đã vượt qua, còn lời nguyền thứ ba là đem lại thu nhập cho người trồng lúa được cao hơn thì chưa làm được, cộng thêm thách thức gần đây là biến đổi khí hậu càng làm cho mục tiêu này khó đạt. Cho dù xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới đi nữa thì chúng ta vẫn còn nợ rất nhiều người nông dân” - ông Bình nói.
Theo ông Cao Thăng Bình, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” có cơ hội khả thi vì có cơ sở từ dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - PV) đã thực hiện những năm qua.
“Tôi nói với tư cách là người hưởng lợi, người sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL. Cho dù đề án này có làm hay không làm, WB có tham gia hay không thì tôi vẫn mong muốn người nông dân được giàu hơn, được tốt hơn. Tôi nghĩ đề án không chỉ làm để có một dự án mà là vì hàng triệu nông dân, nên mong muốn được sớm phê duyệt và triển khai thực hiện, không làm thất vọng các doanh nghiệp và nông dân” - chuyên gia WB kỳ vọng.
Cần tạo được sự khác biệt
Theo ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đây là đề án lớn của ngành hàng lúa gạo, không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới, bởi hàng chục năm Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu. Còn ở trong nước, lúa gạo liên quan đến hàng chục triệu nông dân. Do vậy, cần có sự thay đổi tư duy nhận thức về đề án, kể cả từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).
“Phải làm cho bằng được chứ không còn con đường nào khác. Bởi nhìn lại mấy chục năm ngành hàng lúa gạo của Việt Nam đang đứng ở đâu? Có thể năm nay giá cao hơn cả gạo Thái Lan, cao nhất thế giới đấy, có thể không đủ để bán đấy. Nhưng, tính bền vững hoàn toàn không có. 26 năm trong ngành lúa gạo, tôi khẳng định ngành hàng lúa gạo phát triển chưa bền vững” – ông Bình nói.
Đại diện Công ty Trung An cho rằng, đề án cũng như “giai đoạn 2” của mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mà ông rất tâm đắc và đã thực hiện 10 năm nay rất thành công. Tuy nhiên, trên bình diện chung, mô hình CĐML những năm gần đây đã không phát triển được và liệu đề án lần này có lặp lại “vết xe đổ”?
"Vì sao DN không tham gia trong khi vai trò của DN là không thể thiếu? Cái rất vướng mắc đó là vấn đề vốn. Chỉ khâu mua lúa là đã cần tiền để trả cho nông dân, chưa nói đến các khâu khác như kho, sấy… Chính sách hiện nay có thừa nhưng ngân hàng có tham gia hay không mới là quan trọng, đề nghị trong đề án có trách nhiệm của ngân hàng” - Tổng Giám đốc Công ty Trung An kiến nghị.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết, tỉnh đã thực hiện mô hình CĐML với Tập đoàn Lộc Trời từ 10 năm trước, cách thức cũng tương tự đề án hiện nay. Về quan điểm, đề án tạo sự quan tâm của rất nhiều giới từ nông dân, HTX, DN đến các nhà khoa học, giới truyền thông, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đề án cần có sự khác biệt.
“Phải có chính sách tạo sự khác biệt cho cả DN, HTX và nông dân, nếu không thì DN sẽ không tham gia, kể cả những người tâm huyết khi mà họ không thấy khác biệt so với ở ngoài. Phải có sự khác biệt của sản phẩm đi ra từ 1 triệu héc ta này, quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải cụ thể hóa ra bằng những cơ chế, chính sách” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị, đồng thời đề xuất để thực hiện cần phân vai nhiệm vụ rõ ràng, nhà nước làm gì, DN làm gì, HTX, nông dân làm gì, nếu không sẽ lúng túng, giẫm chân lẫn nhau.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án là kỳ vọng rất lớn của Bộ NN&PTNT, cộng đồng DN và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Do tính chất còn khá mới mẻ, tiếp cận với xu thế của nền kinh tế xanh, phát thải thấp, Bộ NN&PTNT hết sức cẩn trọng và muốn chắt lọc được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành phần kinh tế, DN, HTX, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức thường xuyên quan tâm tới đề án này cũng như quan tâm tới ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có những hưởng ứng rất tích cực về giá trị mang lại của đề án này, nhưng cũng có một số ý kiến bày tỏ sự thận trọng, băn khoăn. Có những phân tích cần phải lắng nghe hết sức thấu đáo, thận trọng, cầu thị, để khi đưa đề án vào vận hành có sự nhất quán trong hệ thống từ cấp ủy, chính quyền ở các địa phương cho đến cộng đồng DN, người trồng lúa ĐBSCL…
Mục tiêu đề án: Đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%.
Đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận