Chuyên gia VPBankS: Chứng khoán tháng 10 nhiều nhiễu động, câu chuyện định giá sẽ chi phối
Theo chuyên gia Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều nhiễu động trong tháng 10, đồng thời câu chuyện định giá sẽ chi phối thị trường trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS
VN-Index bước sang tháng 10 với nhiều nhiễu động
Trong tuần trước (30/9 - 4/10/2024), VN-Index nhiều lần kiểm nghiệm bất thành ngưỡng 1,300 điểm, có khoảng 5 cây nến gần như đi ngang, cho thấy tín hiệu phân phối ngắn hạn đang xuất hiện, giai đoạn nhà đầu tư trong nước tương đối thận trọng với ngưỡng vừa là kháng cự kỹ thuật vừa là kháng cự tâm lý.
Sau một cụm nến như vậy, nhìn về thanh khoản lại có dấu hiệu hạ nhiệt nhanh chóng, đây là tín hiệu nhiễu động của thị trường trong bối cảnh đã có rất nhiều lần kiểm nghiệm 1,300 bất thành.
Tính theo tháng, VN-Index đã bước sang tháng thứ 8 kiểm nghiệm 1,295 - 1,305 không thành công. Trong bối cảnh biên độ thị trường ngày càng thu hẹp, với biên trên từ 1,295 - 1,305 còn biên dưới từ 1,175 - 1,200, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư nên chốt lời khi chạm cản trên, còn khi điều chỉnh về quanh 1,200 sẽ là cơ hội giải ngân trung hạn. Đây là giai đoạn đi ngang điển hình trong bối cảnh thị trường chưa có sự kích thích đủ mạnh để đi lên.
Còn nhớ trong giai đoạn 2013 - 2015, thị trường cũng trải qua thời kỳ tương tự trước khi bứt phá trong giai đoạn 2016 - 2017, với những câu chuyện đủ mạnh như tiếp tục nới lỏng chính sách, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước. Hay với chu kỳ tăng ở sau giai đoạn COVID-19, Việt Nam có gói hỗ trợ về lãi suất, chính sách tiền tệ rất nói lỏng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thường phản ứng rất mạnh mẽ với chu kỳ chính sách tiền tệ, đặc biệt là các gói kích thích. Ví dụ điển hình là gói 30 ngàn tỷ đồng công bố vào ngày 1/6/2013, sau đó kết hợp với những giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản thì TTCK bắt đầu đi lên.
Hiện tại, cõ lẽ nhà đầu tư đang kỳ vọng một gói hỗ trợ về mặt chính sách, đầu tiên là NHNN hạ lãi suất trong thời gian tới, tương tự như cách NHTW Trung Quốc đã làm, cùng xu hướng chung của Fed, châu Âu giai đoạn vừa qua. Ông Sơn kỳ vọng, trường hợp lãi suất được hạ, TTCK Việt Nam sẽ có một con sóng rất lớn.
Trong buổi họp ngày 04/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành đưa ra gói hỗ trợ khoảng 30 ngàn đồng tỷ cho Nhà ở xã hội, người lao động có thể tiếp cận các chương trình mua nhà dễ hơn. Theo ông Sơn, đây là gói rất quan trọng, có thể xuất hiện cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Câu chuyện định giá sẽ chi phối thị trường
Theo dự báo của Bloomberg, trong năm 2025 tăng trưởng lợi nhuận các nhóm ngành niêm yết có thể đạt mức tích cực 20 - 25%.
Theo định giá dự phóng (forward) cho năm 2025, P/E hiện tại khoảng 9 lần, còn P/E không tính forward khoảng 14 - 15 lần, không đắt nhưng cũng không quá rẻ và nhà đầu tư có thể phải chờ thêm kết quả kinh doanh quý 3, quý 4 để có thể đưa ra nhận định đầy đủ hơn.
Ông Sơn cho rằng, câu chuyện định giá sẽ chi phối thị trường trong thời gian tới, bởi thời gian vừa qua nhiều nhóm ngành đã tăng nóng kéo theo định giá đã cao.
Sau khi kết quả kinh doanh mới được công bố, thị trường sẽ trải qua giai đoạn tái định giá, trong đó những nhóm cổ phiếu tăng trưởng, kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục cao sẽ giúp định giá tiếp tục hấp dẫn, qua đó thu hút thêm dòng tiền.
Còn trong trường hợp kết quả kinh doanh quý 3 bắt đầu yếu đi kết hợp với mức giá đã tăng tốt thời gian qua, sẽ không còn quá hấp dẫn, do đó bản thân nhóm ngành sẽ tự điều chỉnh lại định giá, tạo điều kiện để dòng tiền quay lại cho xu hướng trung hạn.
Huy Khải
FILI
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận