Chuyên gia khuyến nghị 3 chủ đề đầu tư trong năm 2023
Bao gồm lãi suất hạ nhiệt và chính sách đảo chiều, đầu tư công; Trung Quốc mở cửa.
Trước môi trường kinh doanh thế giới kém tích cực bắt nguồn từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) trên quy mô toàn cầu và xung đột địa chính trị, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực tăng 8.2% năm 2022, mức kỷ lục trong hơn 10 năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 730.2 tỷ USD, liên tục duy trì trong nhóm 30 quốc gia có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất.
Báo cáo vĩ mô 2023 của CTCK BSC cho rằng, các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô về lạm phát, tỷ giá cơ bản được kiểm soát tạo nền tảng cho đà tăng trưởng trong năm 2023.
Chuyển dịch ngược chiều với diễn biến tích cực của nền kinh tế, hoạt động đầu tư trong năm 2022 lại kém tích cực và trái ngược với kỳ vọng của thị trường. Nếu giai đoạn dịch COVID 2020 – 2021 là môi trường thuận lợi cho các kênh đầu tư thì giai đoạn hậu COVID 2022 thị trường gặp rất nhiều khó khăn do các tài sản đạt đỉnh và môi trường lãi suất đắt đỏ. Ngoài ra, một số điểm tối liên quan đến hoạt động thao túng giá trên thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng như các sự xáo trộn về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản trong nước đã lấy đi toàn bộ điểm số mà VN-Index đã đạt được trong năm 2021.
Mặc dù năm 2022 trải qua sự sụt giảm mạnh nhất hơn chục năm trở lại đây, TTCK Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng với số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới kỷ lục, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng và mức định giá thị trường ở vùng thấp trong nhiều năm. Đây là những nền tảng giúp thị trường có thể hồi sinh và vận động cùng nhịp với nền kinh tế trong năm 2023.
Theo đó, VN-Index được dự báo tăng 2,0% lên mức 1,028 điểm theo kịch bản 1 và tăng 22,8% lên mức 1.240,3 điểm theo kịch bản 2.
Trong đó, 3 chủ đề theo dõi đầu tư trong năm 2023, gồm (1) Lãi suất hạ nhiệt và chính sách đảo chiều: Ngân hàng (VCB, ACB, MBB), Bất động sản (VHM, KDH, NLG, VRE), Khu công nghiệp (GVR, IDC); (2) Đầu tư công: (HPG, PLC, PC1); (3) Trung Quốc mở cửa: Hóa chất (DGC, DPM, DRC), Thủy sản (VHC, ANV), Hậu cần (ACV); (4) Nhóm cổ phiếu khác: VNM, FPT, MWG, PLX, PVS, PVD, POW, PVT,...
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư các yếu tố trong năm 2023 cần theo dõi sát. Cụ thể, các yếu tố bất định ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô vẫn hiện hữu cuối năm 2022. Việt Nam đang có độ lệch pha so với thế giới do việc bước ra khỏi đại dịch COVID chậm hơn. Thời điểm cuối 2021, nền kinh tế Việt Nam suy yếu bước ra khỏi dịch bệnh thì các nền kinh tế chủ chốt thế giới tăng trưởng tốt còn sang năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt thì các nền kinh tế chủ chốt lại suy yếu.
Điều này nhắc nhở về quan điểm thận trọng cả về TTCK và nền kinh tế là cần thiết trong năm 2023. Các yếu tố thuận lợi đến TTCK gồm:
- Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, các động lực tăng trưởng định hình sau dịch, dư địa chính sách tài khoá còn lớn hỗ trợ đà tăng trưởng quanh mức sản lượng tiềm năng trong của các năm trước dịch.
- Chính phủ tập trung tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung.
- Mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp trong nhiều năm.
- Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng rõ rệt trong tháng 11 và 12 năm 2022 và có thể cònduy trì trạng thái mua ròng năm 2023 là tiền đề kéo dòng vốn nội quay trở lại thị trường.
Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho rằng rủi ro không chỉ đến từ bên ngoài mà cả nội tại của nền kinh tế và lưu ý ở một yếu tố: Về quốc tế: NHTW duy trì mức lãi suất cao ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế và khả năng suy thoái với lạm phát cao; Xung đột địa chính trị và biến động của giá hàng hóa;
Trong nước: Môi trường lãi suất cao, hoạt động xuất khẩu thu hẹp, tình trạng thất nghiệp có nguy cơ gia tăng và lạm phát kỳ vọng cao; Các thị trường đầu tư đạt đỉnh và cần thời gian dài để ổn định.
BSC đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng TTCK 2023 trên cơ sở xem xét các khía cạnh: Môi trường kinh tế và triển vọng kinh tế vĩ mô, Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, Các dòng vốn, Triển vọng kinh tế thế giới và Các vấn đề khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận