Chuyên gia: Fed không còn là động lực chính ảnh hưởng tới thị trường trong năm 2023
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán năm 2022 với chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt nhất từ thập niên 80. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng chính sách của Fed sẽ không còn ảnh hưởng nhiều tới thị trường trong năm 2023.
Nhiều người đầu tư cổ phiếu và cả trái phiếu chịu ảnh hưởng nặng nề khi mà thanh khoản bị rút ra khỏi thị trường với nhiều đợt tăng lãi suất liên tiếp từ Fed. Chỉ riêng trong năm vừa qua, Fed đã nâng lãi suất đến 7 lần. Vào giữa tháng 12/2022, Fed nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, lãi suất cơ bản đồng USD dao động trong ngưỡng từ 4.25%- 4.5%.
Trước đó, Mỹ đã 3 lần nâng lãi suất 0.75 điểm phần trăm, đây là đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất của Fed tính từ thập niên 1980.
Các quan chức Fed và chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong năm sau, nhưng nhiều khả năng sẽ có các đợt hạ lãi suất vào năm 2024. Tuy vậy, điều này không có nghĩa Fed vẫn sẽ tác động mạnh tới thị trường, theo ông Patrick Armstrong, Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Plurimi Wealth.
“Trong năm nay, tôi nghĩ Fed sẽ không có ảnh hưởng mạnh tới thị trường, tôi nghĩ những yếu tố bao gồm doanh nghiệp và các yếu tố cơ bản khác sẽ ảnh hưởng đến triển vọng thị trường. Các công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận và có thể bảo vệ biên lợi nhuận sẽ chứng kiến cổ phiếu tăng giá”, ông Armstrong nói với CNBC vào ngày thứ Sáu.
“Lợi suất trái phiếu thực ra đang mang lại lợi suất thực dương. Chính vì vậy trái phiếu có thể coi là một nơi an toàn để bỏ vốn, trong khi đó ở thời điểm đầu năm nay, việc rót tiền vào trái phiếu quả thực không hợp lý. Khi đó cũng khó mà kiếm được mức lợi suất như vậy”, ông Armstrong nhận định.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm duy trì ở mức 3,856%, tăng hơn đáng kể so với mốc 1,628% ở thời điểm đầu năm 2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chuẩn chạm mức thấp chưa từng thấy 0.55% trong tháng 7/2022. Lợi suất trái phiếu thường diễn biến ngược với giá trái phiếu.
“Những gì xảy ra trong năm nay đều xuất phát từ Fed. Biện pháp thắt chặt định lượng, lãi suất cao hơn đều là do lạm phát. Những tài sản lên nhờ dòng thanh khoản dồi dào đã bị bán tháo trong năm nay. Thanh khoản là yếu tố quyết định thị trường nhưng năm nay thanh khoản đang dần cạn kiệt”, ông Armstrong phân tích.
Vị CIO của Plurimi Wealth dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể “mấp mé bờ vực suy thoái vào giai đoạn cuối của nửa đầu năm tới”.
Song, ông lưu ý rằng “trong bối cảnh thị trường lao động rất vững vàng, tiền lương vẫn tăng trưởng và tiêu dùng chiếm 70% nền kinh tế, chưa chắc Mỹ sẽ thực sự rơi vào suy thoái”.
Ông Armstrong nhấn mạnh rằng chìa khoá cho năm 2023 sẽ là “tìm kiếm các công ty có thể bảo vệ biên lợi nhuận của họ, bởi vì lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm là rủi ro thực sự cho thị trường cổ phiếu năm sau”.
Vị CIO đề cập đến dự đoán của các nhà phân tích, rằng tỷ suất lợi nhuận năm tới của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ là 13%, một mức khá cao so với quá khứ.
Thế nhưng, lạm phát cao dai dẳng và chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Fed vẫn có thể là thách thức đối với biên lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Armstrong nhận định.
“Tôi sợ rằng doanh nghiệp Mỹ khó có thể dễ dàng tăng trưởng lợi nhuận khi người tiêu dùng hạn chế chi tiêu bởi chi phí năng lượng, thanh toán nợ vay thế chấp, giá thực phẩm,...đều sẽ tăng cao trong khi Fed tiếp tục nâng lãi suất”, ông nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận