Chuyên gia của VnDirect: 4 yếu tố hỗ trợ tỷ giá hạ nhiệt trong hai tháng cuối năm 2024
Áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý 4, được hỗ trợ bởi: kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong hai cuộc họp còn lại cuối năm 2024, qua đó gây áp lực lên chỉ số DXY..
VnDirect vừa đưa ra nhận định về câu chuyện tỷ giá trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh chỉ số DXY bắt đầu xu hướng tăng vào đầu tháng 10 nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự kiến trong tháng 9. Cụ thể, Mỹ đón nhận 254.000 việc làm, vượt xa đáng kể so với dự báo và số liệu điều chỉnh của tháng trước. Điều này, cùng với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% và tiền lương tiếp tục tăng, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang mạnh mẽ.
Sau khi vượt ngưỡng 102, chỉ số DXY tiếp tục được hỗ trợ bởi chỉ số CPI và doanh số bán lẻ tháng 9 cao hơn kỳ vọng. CPI của Mỹ tăng 0,2% so với tháng trước, không thay đổi so với tháng 8 và tháng 7 (so với dự báo là 0,1%). So với cùng kỳ, CPI tăng 2,4% trong tháng 9 so với mức kỳ vọng 2,3%.
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ tăng 0,4% trong tháng 9, vượt mức kỳ vọng 0,3% và mức tăng 0,1% trong tháng 8. Những số liệu kinh tế tích cực này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, do đó giảm kỳ vọng về việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất và khiến chỉ số DXY tăng lên mức 104 vào ngày 22/10.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của VnDirect, cho rằng tương tự như câu nói “Tin tốt có thể là tin xấu”, tin tốt là kịch bản “hạ cánh mềm” ở Mỹ có thể là “tin xấu” đối với các đồng tiền trong khu vực do đồng USD tăng giá. Sau khi giảm xuống dưới 24.600 đồng trong thời gian ngắn vào ngày 11/9, tỷ giá USD/ VNĐ đã nhảy vọt lên 25.165 đồng vào ngày 18/10, tương đương với mức tăng 3,7% so với đầu năm (so với mức 1,2% vào cuối tháng 9).
Điều này có nghĩa là đồng VNĐ đã mất giá 2,5% so với USD trong vòng chưa đầy một tháng, do sự phục hồi mạnh mẽ của DXY.
Trong bối cảnh đồng VNĐ mất giá thời gian gần đây và Fed còn hai cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm, việc theo dõi sát sao thị trường ngoại hối là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cần đảm bảo duy trì đủ thanh khoản cho hệ thống ngày càng trở nên quan trọng vào thời điểm cuối năm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy vậy, theo ông Hinh áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong nửa sau của quý 4, được hỗ trợ bởi: kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong hai cuộc họp còn lại cuối năm 2024, qua đó gây áp lực lên chỉ số DXY; thặng dư thương mại duy trì mức cao (20,8 tỷ USD trong 9T24), vốn FDI thực hiện tăng trưởng mạnh mẽ (+8,9% so với cùng kỳ trong 9T24); và kỳ vọng dòng kiều hối dồi dào trong Q4/2024.
Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau hai tháng tạm dừng, sau khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm xuống 2,6% vào ngày 18/10 và tỷ giá USD/ VNĐ vượt mốc 25.200 đồng. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày thông qua phương thức đấu thầu, thu hút tổng số tiền đấu thầu thành công là 12,3 nghìn tỷ đồng (492 triệu USD). Lãi suất cho lô tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày lần lượt là 3,74% và 4%/năm.
Việc bắt đầu mở kênh đấu thầu tín phiếu thể hiện ý chí của nhà điều hành là hấp thụ thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó nâng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức phù hợp hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong những tuần gần đây.
Mặc dù tỷ giá đang chịu áp lực khi chỉ số DXY tăng cao hơn mốc 104 do Mỹ liên tục ghi nhận số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ cao hơn kỳ vọng, thị trường vẫn duy trì dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 tới. Việc Fed được kỳ vọng tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi áp lực ngoại hối giảm dần về cuối năm.
Nhìn chung, theo chuyên gia của VnDirect, định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2024 sẽ vẫn tập trung vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận