menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thủy Tiên

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta

Đợt bùng phát dịch Covid-19 biến chủng Delta tại châu Á đang làm trầm trọng thêm sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng ở khắp khu vực cung ứng hàng sản xuất lớn nhất thế giới.

Trong các đợt bùng phát dịch trước, châu Á kiểm soát tốt hơn các khu vực khác. Tuy nhiên, lần này lại khác. Biến chủng Delta với đặc tính lây nhiễm nhanh đã đẩy mọi thứ vào tình cảnh hỗn loạn, từ cảng biển cho tới nhà máy, tại các quốc gia từng kiểm soát dịch bệnh thành công nhất.

Những rắc rối tại châu Á – nơi chiếm 42% giá trị xuất khẩu trên toàn cầu, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (UN) – có thể gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng ngay khi các công ty đẩy mạnh nhập hàng chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và mùa mua sắm.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta
Cảng Ninh Ba - Chu Sơn (Trung Quốc)

Như các đợt bùng phát dịch trước đây, các vấn đề khởi nguồn từ các cảng biển châu Á có thể lan truyền một cách chậm rãi, sau đó gây trì hoãn ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn cho người tiêu dùng.

Tình cảnh khó khăn hiện tại kéo dài một năm ác mộng cho các nhà xuất khẩu, với chi phí vận tải cao ngất ngưỡng vì thiếu container rỗng. Khó khăn của nhà xuất khẩu còn đến từ việc nguyên vật liệu thô như thiết bị bán dẫn trở nên đắt đỏ và khó tìm nguồn nhập hàng giữa lúc nhu cầu tăng nóng.

“Biến chủng Delta nhiều khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng tới thương mại châu Á”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Thương mại châu Á (ATC) ở Singapore, cho hay. “Hầu hết các thị trường vẫn còn kiểm soát tốt Covid-19, đó là điều may mắn. Nhưng khi dịch tiếp tục lây lan, chuỗi ngày may mắn có thể chấm dứt ở một vài quốc gia”.

Thể hiện cho những lo ngại trên, giá dầu kéo dài đà giảm vào đầu tuần này khi sự lây lan của biến chủng Delta đe dọa tới triển vọng nhu cầu toàn cầu.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta

Ở Trung Quốc, cảng biển vận chuyển container lớn thứ ba trên thế giới đã bị đóng cửa một phần trong thời gian gần đây, trong khi ở Đông Nam Á, một số giám đốc nhà máy đã quyết định tạm ngưng sản xuất thiết bị điện tử, hàng dệt may và hàng loạt sản phẩm khác.

Trong khi đó, cú bùng nổ xuất khẩu – vốn là yếu tố bảo vệ các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại trong bối cảnh dịch bệnh – có thể chững lại. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo châu Á sẽ dẫn dầu đà tăng về thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay.

Trong khi đó, sự đứt gãy cung ứng sẽ làm dấy lên nỗi lo rằng đà tăng lạm phát sản xuất tại Trung Quốc và lạm phát tiêu dùng tại Mỹ không chỉ là tạm thời. Đây là thách thức cho các nhà quyết sách trong việc kìm hãm đà tăng giá ngắn hạn.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta
Xuấy khẩu của khu vực châu Á

Biến chủng Delta đã xâm nhập vào hệ thống phòng thủ cứng rắn của Trung Quốc, gieo mầm cho những ca bệnh đầu tiên trong nhiều tháng ở những nơi như Bắc Kinh và Vũ Hán. Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm và tử vong, đồng thời trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do chậm triển khai tiêm chủng.

Với chiến lược không khoan nhượng, Trung Quốc đã đóng cửa bến tàu Mi Sơn ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn sau khi một công nhân bị nhiễm Covid-19. Tất cả mọi dịch vụ vận chuyển container vào và ra tại bến tàu này đều bị tạm ngưng.

Trước đó, Trung Quốc cũng đóng cửa cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến trong gần 1 tháng sau đợt bùng phát nhẹ và từ đó, gây tác động tới hoạt động vận tải biển quốc tế.

Tại Đông Nam Á, chỉ số PMI giảm mạnh trong tháng trước khi các nhà xuất khẩu quan trọng chật vật vận hành các nhà máy. Đây là một dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 có thể kìm hãm hoạt động thương mại của khu vực này.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta
PMI sản xuất của Đông Nam Á sụt mạnh trong tháng trước

Mặc dù Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm tổng cộng 5.7% xuất khẩu toàn cầu, nhưng hoạt động sản xuất tại các nước này có thể ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc, nhất là thiết bị điện tử, theo Natixis.

Mới đây, 90 CEO của các nhãn hàng hàng đầu Mỹ kiến nghị Tổng thống Joe Biden tăng tốc viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong thư gửi Tổng thống Joe Binden, CEO các nhãn hàng hàng đầu của Mỹ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF, Under Amour... nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu 38% máy móc xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, trong khi Mỹ cũng nhập 50% thiết bị bán dẫn từ 5 quốc gia này.

Tác động còn lan sang các trung tâm xuất khẩu Nhật Bản và Hàn Quốc. Chẳng hạn, Samsung Electronics tháng trước cho biết doanh thu từ mảng điện thoại thông minh bị tác động bởi dịch bệnh ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp khắc nghiệt để giảm thiểu tác động tới xuất khẩu, khi số ca nhiễm tăng mạnh. Các cơ quan chức trách yêu cầu các nhà sản xuất cho phép người lao động ngủ qua đêm tại nhà máy.

Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn chưa thể giải quyết nỗi lo của Công ty TNHH Sản xuất Giày và Nguyên Phụ Liệu Harco ở Hưng Yên.

“Mọi thứ đang dần trở nên tệ hơn khi hầu hết nhà máy ở phía Nam buộc phải tạm ngưng hoạt động và các công ty ở phía Bắc đang chật vật duy trì một số hoạt động sản xuất”, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Giám đốc của Harco, cho hay trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg qua điện thoại. “Toàn bộ chuỗi cung ứng của Việt Nam bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Các nhà kinh tế đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á khi các chỉ báo thời gian thực cho thấy hoạt dộng tiêu dùng và các hoạt động khác đang bị tác động nặng. Chỉ riêng sự bùng phát biến chủng Delta tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng nặng đến các khu vực chiếm hơn 1/3 GDP của nước này.

Nằm trong số các lý do hạ dự báo tăng trưởng gần đây, các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase nhấn mạnh tới rủi ro tỷ lệ tiêm chủng thấp tại các quốc gia châu Á.

Đợt bùng phát dịch bệnh cũng diễn ra khi các nhà xuất khẩu tiếp tục gánh chịu giá cước vận tải biển cao ngất ngưỡng, phần lớn là vì tình trạng thiếu hụt container rỗng. Chỉ số Drewry World Container chạm mức 9,421.48 USD đối với mỗi container 40 feet tính tới ngày 12/08, tăng 350% so với cùng kỳ.

Chuỗi cung ứng toàn cầu trước áp lực khổng lồ từ biến chủng Delta

“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba so với trước đại dịch”, Lanm Lai, Giám đốc thương mại nước ngoài của CNC Electric ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cho biết. “Năm ngoái, trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng mức tăng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng nhìn về phía trước, tôi không cho rằng mọi thứ sẽ sớm thay đổi”.

Các giám đốc điều hành như Raymond Ren - người điều hành Pinghu Kaixin Plastic Industry, công ty sản xuất túi xách và vali du lịch và cũng ở Chiết Giang - không hy vọng mọi thứ sẽ sớm cải thiện. “Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì có thể đảo ngược điều này trong ngắn hạn”, ông nói. “Bạn không thể dự báo được điều gì trong đại dịch này”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại