24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng bị tắc nghẽn nghiêm trọng

Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở châu Á đang làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại một số nguồn hàng sản xuất lớn nhất thế giới.

Biến thể Delta lây lan nhanh đã khiến các nhà máy và bến cảng ở các quốc gia từng là một trong những nơi kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công nhất rơi vào tình trạng ngưng hoạt động.

Trong khi đó, những vấn đề bắt đầu từ các cảng châu Á có thể xuất hiện và dẫn tới sự chậm trễ ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam và khiến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng bị tắc nghẽn nghiêm trọng
Giá cước vận chuyển của một số tuyến đường lớn

Các đợt bùng phát cũng làm tồi tệ thêm tình trạng chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn trở nên đắt hơn và khó tìm kiếm trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.

Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore cho biết: “Biến thể Delta có thể sẽ làm gián đoạn đáng kể thương mại ở châu Á. Cho đến nay, hầu hết các thị trường đều may mắn kiểm soát được Covid-19. Nhưng khi Covid-19 tiếp tục lan rộng, chuỗi may mắn này có thể sẽ kết thúc ở nhiều khu vực”.

Trong một dấu hiệu của những lo ngại đó, giá dầu đã kéo dài sự sụt giảm vào đầu tuần này ở châu Á do sự lây lan của biến thể delta đã làm suy yếu triển vọng về nhu cầu dầu toàn cầu.

Cảng container bận rộn thứ ba trên thế giới ở Trung Quốc đã bị đóng cửa một phần trong khi Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì các giám đốc điều hành nhà máy đã ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và các sản phẩm khác.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã dự báo, châu Á sẽ dẫn đầu mức tăng 8% trong năm nay trong thương mại hàng hóa toàn cầu vì các nền kinh tế dựa vào thương mại có thể phải dựa vào sự bùng nổ xuất khẩu để thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch.

Trong khi đó, nguồn cung khan hiếm sẽ làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát gia tăng đối với các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc lạm phát sẽ được chứng minh không phải là nhất thời đối với người tiêu dùng Mỹ, làm dấy lên lo ngại các nhà hoạch định chính sách có thể sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ.

Trong khi các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng phương pháp kiểm soát dịch cứng rắn đã khiến nhà ga Meishan ở cảng Ningbo-Zhoushan bị tạm dừng vào thứ Tư (11/8) sau khi một công nhân mắc Covid-19.

Việc đóng cửa này diễn ra sau khi cảng Yantian ở Thâm Quyến bị đóng cửa trong khoảng 1 tháng sau một đợt bùng phát nhỏ, điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển quốc tế.

Tại Đông Nam Á, các nhà quản lý sản xuất đã chứng kiến ​​hoạt động sụt giảm trong tháng 7 khi các nhà xuất khẩu quan trọng phải vật lộn để duy trì hoạt động của các nhà máy, một dấu hiệu cho thấy Covid-19 có thể đang tạo ra sự sụt giảm trong thương mại và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của khu vực.

Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng có thể tác động lớn đến các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ năm quốc gia đó trong khi Mỹ nhập khẩu khoảng 50% chất bán dẫn từ năm quốc gia này.

Cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực châu Á

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế đang cắt giảm dự báo tăng trưởng cho châu Á khi một số dữ liệu kinh tế cho thấy sự bùng phát Covid-19 đã tác động đến tiêu dùng và các hoạt động khác. Bloomberg Economics dự báo nền kinh tế toàn cầu đã sẵn sàng để tăng tốc trong quý III này nhưng chỉ riêng sự bùng phát biến thể delta ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các quốc gia châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu tới Trung Quốc.

Trong số các lý do mà các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á, JPMorgan Chase đã nhấn mạnh rủi ro từ các quốc gia châu Á là do có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tình trạng lây nhiễm biến thể Delta xảy ra khi các nhà xuất khẩu tiếp tục phàn nàn về chi phí vận chuyển đường biển có thể gấp bội so với trước đại dịch, chủ yếu là do thiếu container vận chuyển. Chỉ số container của Drewry World đạt 9.421,48 USD/container 40 feet tính đến ngày 12/8 - cao hơn khoảng 350% so với cùng thời điểm một năm trước.

“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần trước đại dịch”, Lanm Lai, Giám đốc thương mại nước ngoài của CNC Electric ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cho biết.

“Năm ngoái, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng đó chỉ là ngắn hạn. Nhưng trong thời gian tới, tôi không nghĩ rằng sẽ sớm có một sự thay đổi đáng kể”, ông nói.

Giám đốc điều hành như Raymond Ren của Công ty TNHH Công nghiệp nhựa Pinghu Kaixin, công ty sản xuất túi và vali du lịch cũng như ở Chiết Giang cũng không hy vọng sớm có sự điều chỉnh về giá vận chuyển. “Tôi không nghĩ rằng bất cứ điều gì có thể đảo ngược điều này trong ngắn hạn. Chúng ta không thể đoán trước được bất cứ điều gì trong đại dịch này”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
31.90 +1.00 (+3.24%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả