Chứng sĩ thành tử sĩ vì "món quà của thượng đế" từ nhóm chat phím hàng
Mua TGG với giá 50.000 đồng/CP, chị Tuyền lâng lâng sung sướng vì tưởng đã ôm được "món quà của thượng đế". Nhưng hình như, thương đế không có nhiều quà như vậỵ...
Trong 2 năm kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ vào vào thị trường chứng khoán và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Số tài khoản mở mới mỗi tháng đều tăng cao hơn tháng trước. Trong 11 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản mở mới đã lớn hơn tổng số tài khoản mới trong bốn năm trước cộng lại và lên tới 1,3 triệu tài khoản. Chỉ riêng số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 11/2021 đã nhiều hơn tổng tài khoản mở mới trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).
Không thể phủ nhận, sự tham gia của các nhà đầu tư F0 đã giải quyết được các vấn đề về quy mô thị trường chứng khoán và giúp gia tăng được chất lượng của thị trường, dễ dàng thu hút các doanh nghiệp có động lực niêm yết. Từ đó, khả năng thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng hơn trong việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi thời gian tới.
Room "phím hàng" tăng mạnh
Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, kiến thức, một lượng nhà đầu tư cá nhân lớn bước vào thị trường chứng khoán khi chưa trang bị đủ kiến thức và chỉ mua bán cổ phiếu theo tin đồn, lời "mách bảo" của nhân viên môi giới và các các chuyên gia trên mạng xã hội. Các nhà đầu tư này gần như không tiếp cận thông tin về tình hình doanh nghiệp, bỏ qua những phân tích kỹ thuật và cơ bản và chỉ quan tâm "ba chữ cái".
Chưa bao giờ các room "phím hàng" lại nở rộ nhiều như giai đoạn hiện tại. Trên các nền tảng facebook, zalo, telegram... đều xuất hiện đủ các nhóm môi giới chứng khoán. Để thu hút nhà đầu tư, những người thành lập room tung ra những lời chào mời chào như "mua cổ phiếu X giá Y là món quà của thượng đế", "cổ phiếu A sẽ tăng bằng lần trong thời gian ngắn", "người nhà tôi là lãnh đạo của doanh nghiệp Z phím mua vào cổ phiếu đảm bảo ăn bằng lần"...
Trước những lời chào mời đầy cám dỗ, các thành viên tham gia nhóm đều sẽ đồng loạt mua vào bởi tin rằng những "tư lệnh", "chủ room" này đang có "thông tin mật", "mua là sẽ thắng".
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (23 tuổi, Hà Nội) là một nhà đầu tư F0, hiện làm giảng viên tiếng Trung cho một trung tâm ngoại ngữ. Thời gian dịch, phải ở nhà làm việc trực tuyến và gần như không có học viên đăng ký, chị Tuyền đã quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Chị Tuyền cùng bạn tham gia một nhóm chat trên Zalo. Chủ nhóm này tự nhận là chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán chị đang sử dụng. Theo đó, hồi giữa tháng 9, người này nhắn vào nhóm "phím" thành viên mua cổ phiếu TGG của Louis Capital khi ấy đang ở vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu với khẳng định thời gian tới, cổ phiếu này sẽ tăng mạnh.
Thời điểm được "phím hàng", chị Tuyền mới lập tài khoản chứng khoán được nửa tháng. Dù không có nhiều kinh nghiệm, chị vẫn sốt sắng và quyết định xuống tiền bởi xung quanh nhiều người đã chốt lời.
Cổ phiếu TGG quả nhiên đã tăng mạnh. Sau khoảng 7 phiên tăng liên tiếp, chị Tuyền "lâng lâng" vì lần đầu tham gia thị trường tài khoản đã báo lãi. Tuy nhiên, niềm không không được bao lâu. Sau những phiên tăng liên tiếp, TGG bắt đầu giảm. Phần trăm lãi của chị Tuyền theo đó bắt đầu giảm xuống.
"Lúc ấy tôi không biết phải làm gì, tôi không dám gồng lỗ đợi tăng lại vì sợ sẽ không tăng, nhưng cũng không muốn cắt lỗ vì tiếc tiền. Không chỉ tôi mà nhiều người trong nhóm đều nhắn hỏi nhưng chuyên viên phân tích chỉ bảo cứ bình tĩnh. Nhưng chúng tôi không thể bình tĩnh được" - chị nói. Cuối cùng, chị Tuyền quyết định cắt lỗ.
Lần đầu tiên chơi chứng khoán, chị Tuyền lỗ 8%. Tuy nhiên, chị vẫn thấy may vì đã cắt sớm. Hiện, cổ phiếu này giảm mạnh về mức 18.500 đồng/cổ phiếu.
Chiêu trò để hưởng phí giao dịch
Chị Tuyền chỉ là một trong nhiều nhà đầu tư F0 mất tiền vì các room "phím hàng" đang nở rộ thời gian gần đây. Những nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm, nhiều khi không bảo đảm tính xác thực thường là những người lao theo các room như vậy.
Theo ông Bùi Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS, các nhà đầu tư F0 giai đoạn nào cũng giống nhau ở chỗ không tìm hiểu kỹ, dẫn đến khi thị trường đảo chiều, nhà đầu tư không ứng biến được do không có kinh nghiệm. "Khi thị trường đang tốt, ai đánh cũng thắng nên nhiều nhà đầu tư chủ quan mà không biết việc thiếu kinh nghiệm đầu tư sẽ gây ra nhiều hệ luỵ" - ông nói.
Theo ông Bảo, nhiều nhà đầu tư "sốt ruột" bước vào chứng khoán, vội vã xuống tiền khi chưa tích lũy kiến thức sẽ dễ dàng đưa mình vào rủi ro của thị trường. Không ít F0 nhẹ dạ nghe theo lời tư vấn của môi giới. "Nhiều room chủ yếu hướng khách hàng lướt sóng chứng khoán, cố câu khách hàng để hưởng phí giao dịch về sau chứ không hề giúp đầu tư dài hạn" - ông nhận định.
Ông Bảo cũng cho rằng chính các room "phím hàng" này gây ra tình trạng nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trên thị trường chứng khoán trong năm qua dù doanh nghiệp làm ăn không tốt.
Năm 2021, có tới 483 cổ phiếu tăng giá trên 100% (cao hơn nhiều so với 158 mã trong năm 2020). Đây là con số rất lớn khi toàn thị trường chỉ có hơn 1.700 mã cổ phiếu.
Mã ATA của Công ty cổ phần NTACO với mức tăng hơn 20 lần, đây là một doanh nghiệp chuyên về chế biến thủy sản nhỏ với hoạt động không có nhiều nổi trội, lỗ liên tiếp giai đoạn 2017-2020.
Mã PTO của công ty Xây dựng Công trình Bưu điện cũng tăng gần 15 lần trong năm vừa qua. Dù vậy mã này có thanh khoản rất thấp khi chỉ đạt 264 cổ phiếu/phiên, thậm chí năm 2020 còn rất ít khi xuất hiện giao dịch.
Mã NOS của công ty Vận tải biển Phương Đông cũng tăng hàng chục lần. Đà tăng giá này được cho là hưởng lợi dòng tiền đổ vào nhóm cảng biển. Trong khi đó, hoạt động của công ty vẫn rất khó khăn khi báo lỗ 111 tỷ đồng sau 9 tháng, dẫn đến vốn chủ âm gần 4.300 tỷ đồng.
Chỉ nên tham gia khi đã tìm hiểu kỹ
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, rất nhiều các hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán trên thị trường chứng khoán. Các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram... bị lợi dụng để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.
"Uỷ ban khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat này", thông báo của UBCKNN viết.
Theo ông Bùi Khoa Bảo, thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục phát triển, nhà đầu tư tham gia không bao giờ là muộn. "Bởi vậy, chỉ nên tham gia khi đã tìm hiểu kỹ về thị trường này, bao gồm bản chất chứng khoán, các yếu tố tác động lên thị trường, những nhóm ngành sẽ phát triển trong tương lai và tình hình các doanh nghiệp" - ông cho hay. Theo ông, sóng đầu cơ lên nhanh và cũng sẽ xuống nhanh, nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư có thể mất hết.
"Đặc biệt, các room chat chứng khoán cũng đa dạng mục đích, có những room môi giới trình độ chuyên môn tốt, thành thạo phân tích báo cáo tài chính, đưa ra những nhận định hợp lý, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư" - ông nói. Theo ông, cần ránh những room chỉ sinh ra với mục đích ăn chênh lệch giao dịch, lợi ích của nhà đầu tư không được đặt lên hàng đầu.
"Mỗi nhà đầu tư phải có quan điểm đầu tư riêng sau khi học hỏi, tích luỹ kiến thức. Sau đó, mới cân nhắc lựa chọn những môi giới, room chat uy tín tham gia" - ông nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận