Chứng khoán Việt Nam 'giảm thì rất sâu, tăng lại... cao nhất thế giới', nói lên điều gì?
Theo chuyên gia, chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc, giảm rất sâu, tăng rất mạnh. Như phiên hôm 2-11 tăng mạnh nhất so với các thị trường khác trên thế giới.
Kết phiên ngày 2-11, VN-Index tăng mạnh 35,81 điểm (tương đương 3,44%) lên mức 1.075,47 điểm - tương ứng vùng giá phiên giảm điểm mạnh đột biến hôm 26-10-2023.
Dữ liệu trên Fiintrade cho thấy giá trị giao dịch toàn thị trường cả 3 sàn đạt 17.458 tỉ đồng, tăng 15,4% so với phiên liền trước nhưng thấp hơn 0,3% so với trung bình 5 phiên.
Thị trường chứng khoán đã xác lập đáy?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - nhận định chứng khoán hôm nay đã có diễn biến tích cực sau thông tin từ cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Fed đã thông báo giữ nguyên lãi suất sau phiên họp chính sách kết thúc vào ngày 1-11. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm sau khi đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007.
"Fed không tăng lãi suất, điều này giảm áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam", ông Ngọc nhận định. Diễn biến này đã gỡ bỏ nút thắt tâm lý nặng nề vừa qua của nhà đầu tư về áp lực tỉ giá, nỗi lo đảo chiều chính sách tiền tệ.
Trả lời câu hỏi liệu thị trường bắt đầu vào chu kỳ sóng mới hay chưa, ông Ngọc cho biết: Lực cầu hôm nay tốt, giai đoạn này cung giá thấp đã cạn, thanh khoản không cao.
"Hai phiên qua và nay đã tạo ra vùng cân bằng mới với đáy ngắn hạn. Ở kịch bản khả quan, VN-Index khi lên vùng 1.080 - 1.100 điểm sẽ có đợt điều chỉnh, thị trường xác lập đáy 2 cao hơn đáy 1", ông Ngọc nêu quan điểm. Ông cho rằng diễn biến tiếp sau đó mới có thể khẳng định rõ hơn về xu hướng tăng mới được hình thành.
Ngược lại, nếu thị trường tạo ra đợt điều chỉnh với đáy sau thấp hơn cả vùng 1.020 điểm vừa được xác lập, thì chỉ coi điểm số hôm nay như "đáy tạm". "Song kịch bản này là khá thấp", ông Ngọc nói.
Xu hướng sắp tới?
Về xu hướng thời gian tới, ông Đỗ Bảo Ngọc cho biết tình hình kinh tế vĩ mô ngắn hạn vẫn còn khó khăn, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam chưa phục hồi như kỳ vọng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang tích cực hơn trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ nền kinh tế hồi phục như đề xuất giảm tiếp VAT, chấp nhận giảm thu ngân sách và tăng chi đầu tư công…
"Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, lãi suất thấp được duy trì. Tôi hy vọng quý 4 năm nay nền kinh tế sẽ cải thiện hơn", ông Ngọc dự báo.
Theo nhận xét của ông Ngọc, chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc, giảm rất sâu, tăng rất mạnh. Như phiên hôm nay tăng mạnh nhất so với các thị trường khác trên thế giới.
Điều này phản ánh đặc điểm một thị trường cận biên quy mô nhỏ, nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn nên tâm lý dễ dao động, ông Ngọc nói. Bởi vậy thực tế nhiều nhà đầu tư dọa bỏ chơi, phản ứng thái quá khi thị trường giảm điểm, lúc thị trường đi lên lại dễ rơi vào tâm lý hưng phấn, mua đúng đỉnh.
"Nhiều khả năng là đáy trung hạn được xác lập. Do vậy, mỗi lần điều chỉnh sau đó sẽ tạo ra cơ hội giải ngân mới. Xem xét với cổ phiếu chưa tăng quá nhiều thì giải ngân theo tỉ trọng. Giải ngân không hiệu quả thì quan sát lại", ông Ngọc khuyến nghị.
Còn theo chuyên gia Chứng khoán SHS, xu hướng tiếp theo sẽ hướng đến hồi phục và tìm đến điểm cân bằng để hình thành nền tích lũy mới.
"Thị trường đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn và với phiên tăng điểm mạnh hôm nay VN-Index đã tiệm cận với ngưỡng kháng cự quanh vùng 1.085 điểm. Do vậy nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi ở vùng giá cao", chuyên gia SHS cho biết.
Còn với nhà đầu tư trung, dài hạn, chuyên gia khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và chờ đợi thị trường tích lũy ổn định trở lại trước khi xem xét các cơ hội giải ngân thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận