Chứng khoán Trung Quốc là rủi ro tiềm ẩn đối với các thị trường mới nổi
Ngoài rủi ro địa chính trị bùng nổ ở châu Âu, triển vọng về các quy định mới ở Trung Quốc đang đặt ra rủi ro lớn hơn, nhưng ít được đánh giá cao hơn đối với các tài sản của thị trường mới nổi.
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sụt giảm sau khi các nhà chức trách yêu cầu các nền tảng giao thực phẩm cắt giảm mức phí đã khiến Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets chịu thiệt hại lớn hơn cả việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nguyên nhân là do Trung Quốc chiếm khoảng 30% quy mô, trong khi Nga chỉ hơn 1,5%. Giới phân tích hiện lo ngại rằng cuộc họp tuần này của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc có thể dẫn đến việc đưa ra các quy định mới.
Brendan Mckenna, chiến lược gia tại Wells Fargo cho biết: “Trung Quốc có tác động lây lan rủi ro nhiều hơn Nga. Khi một cú sốc xảy ra ở Trung Quốc, hầu như tất cả các thị trường mới nổi đều phản ứng. Trong khi một cú sốc ở Nga thường chỉ lan sang khu vực Đông Âu”.
Tác động của việc cổ phiếu Trung Quốc sụt giảm tới thị trường mới nổi rộng lớn hơn có thể còn rõ rệt hơn. MSCI nằm trong số các nhà cung cấp điểm chuẩn nhận định rằng cổ phiếu Nga là “không thể đầu tư” khi sàn giao dịch chứng khoán của Moscow vẫn đóng cửa, các lệnh trừng phạt leo thang và thanh khoản cạn kiệt. Kể từ ngày 9/3, các cổ phiếu của Nga sẽ bị xóa hoàn toàn khỏi tiêu chuẩn đánh giá của MSCI.
Điều đó khiến giới đầu tư tập trung vào cách Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách để kiềm chế các tập đoàn quyền lực nhất của đất nước. Chỉ trong hai tuần qua, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo tình hình tài chính của họ với Ant Group và đặt ra yêu cầu giới hạn phí đối với các nền tảng gọi xe và giao đồ ăn.
Chỉ số Hang Seng Tech Index giảm 16% tính theo đồng đô la kể từ khi quy định mới ra đời vào giữa tháng 2/2022. Một nhóm cổ phiếu tiêu dùng bao gồm Alibaba Group và Meituan là một trong những cổ phiếu có hiệu suất kém nhất theo phân tích dữ liệu của Bloomberg.
Leonardo Pellendini, chiến lược gia tại Bank Julius Baer cho biết: “Môi trường vẫn chưa chắc chắn về khuôn khổ quy định và chúng tôi cần rõ ràng hơn để đánh giá tác động lên cổ phiếu”.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khoảng 5,5%, áp dụng các biện pháp để giữ giá nhà ở ổn định và cam kết giải quyết các vấn đề xã hội như buôn bán người. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng mô tả việc ngăn chặn “mở rộng vốn không được kiểm soát” là một trong những thành tựu của năm ngoái.
Sự tái hợp của rủi ro về quy định ở Trung Quốc đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý tiền tệ bao gồm JPMorgan Chase và Mobius Capital Partners, những người đã dự kiến mối đe dọa sẽ nguội dần vào năm 2022. Họ dự đoán chứng khoán Trung Quốc sẽ phục hồi nhờ chính sách tiền tệ dễ dàng và sự phục hồi kinh tế của nước này.
Nhưng một số nhà đầu tư vẫn đang mua cổ phiếu với trọng tâm là tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Cai Dian, một nhà quản lý quỹ tại Beijing Eastern Smart Rock Asset Management cho biết: “Bất kỳ hoạt động bán ra nào vào thời điểm này không thực sự là một động thái hợp lý do bất kỳ kỳ vọng xấu đi nào về môi trường pháp lý có thể đã có từ lâu”.
"Điều đó nói lên rằng, cổ phiếu vẫn cực kỳ nhạy cảm và có xu hướng phản ứng quá mức với những tiêu cực, chẳng hạn như tin tức giảm phí giao hàng. Kiểu giao dịch ngắn hạn đó đang khuếch đại sự biến động”, ông cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận