menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Huyền

Chứng khoán tháng 8 - áp lực từ thế giới

Chỉ số VN-Index bất ngờ lao dốc mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 8.

Giảm mạnh ngay từ những phiên đầu tháng 8-2024 do ảnh hưởng của thị trường toàn cầu, liệu chứng khoán Việt Nam sẽ tìm thấy điểm hỗ trợ nào trong thời gian tới? Nhà đầu tư liệu có nhất thiết phải bán tháo bằng mọi giá, khi triển vọng kinh tế trong nước đang có những cải thiện tích cực hơn?

Áp lực từ thế giới

Sau khi điều chỉnh giảm từ giữa tháng 7-2024 rồi phục hồi nhẹ trong những phiên giao dịch cuối tháng, để kết thúc tháng 7 với mức tăng nhẹ 0,5%, chỉ số VN-Index bất ngờ lao dốc mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 8 này, bất chấp mùa công bố báo cáo tài chính quí 2 vừa qua cho thấy lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, ngay phiên giao dịch đầu tháng, ngày 1-8, VN-Index giảm 24 điểm, tương đương giảm 1,9%. Ngày 2-8 thị trường lấy lại được 10 điểm trước khi một lần nữa lao dốc đến 49 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này (5-8), tương đương giảm đến 4% và đã rớt về dưới ngưỡng 1.200 điểm. Sắc đỏ phủ khắp thị trường, với khối lượng giao dịch cũng vọt lên hơn 943 triệu cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE, tăng hơn 43% so với phiên trước đó, cho thấy nhà đầu tư quyết thoát hàng bằng mọi giá.

Tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động tiêu cực bởi đà bán tháo trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật rớt hơn 12,4% trong ngày 5-8 và đã giảm đến 19,5% chỉ trong vòng ba phiên giao dịch đầu tháng 8. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng rớt tương ứng là 9% và 12% trong cùng khoảng thời gian, trong khi chỉ số chứng khoán của Đài Loan giảm lần lượt là 8,4% và 10,7%. Sắc đỏ cũng lan rộng qua các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ sau đó.

Không chỉ chứng khoán, một loạt tài sản từ có tính rủi ro cao như hàng hóa hay tiền số cho đến các tài sản an toàn như vàng cũng chứng kiến đà lao dốc mạnh, khi các nhà đầu tư vội vã thoát khỏi thị trường. Mọi việc được cho là bắt nguồn từ động thái tăng lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng bốn tháng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mới đây, khiến các nhà đầu tư trước giờ vay yen Nhật với mức lãi suất thấp để đầu tư vào các tài sản, đồng tiền có lãi suất cao hơn (carry trade) e ngại và thoát khỏi vị thế.

Cụ thể, sau khi bơm ra khoảng 100 tỉ đô la Mỹ trong ba đợt can thiệp thị trường nhằm ngăn chặn đà mất giá của đồng yen nhưng không thành công, ngày 31-7 BoJ đã bất ngờ tăng lãi suất tham chiếu từ mức 0-0,1% lên quanh 0,25%. Trước đó, hồi tháng 3, cơ quan này đã tăng các mức lãi suất từ -0,1% lên 0-0,1%, đánh dấu lần đầu tiên BoJ tăng lãi suất sau 17 năm, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 BoJ chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Ngoài ra, nỗi lo sợ về chiến tranh trực tiếp giữa Iran và Irsael cũng đẩy các nhà đầu tư vào thế phải thoát khỏi thị trường. Ngoại trưởng Israel Katz ngày 5-8 cho biết Iran đã thông báo quyết định sẽ tấn công Israel, sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran vào tuần trước. Nhiều bên cho rằng Israel tổ chức vụ ám sát, song nước này không xác nhận hay phủ nhận thông tin.

Việc giới phân tích cho rằng rủi ro nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, sau báo cáo việc làm đáng thất vọng gần đây với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2021, cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng. Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng xác suất kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là 25%, còn JPMorgan thậm chí bi quan hơn, khi đưa ra xác suất đến 50%.

Thách thức và cơ hội

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế, một số dự báo tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể phải giảm lãi suất cơ bản đến 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9 tới, thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự kiến ban đầu. Điều này nếu xảy ra sẽ hỗ trợ cho các thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, trong khi kỳ vọng giảm 0,5 điểm phần trăm ngày càng lan rộng, nếu Fed chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm theo kế hoạch đề ra, đó lại trở thành một thông tin không mấy tích cực với các nhà đầu tư.

Điều đáng lo ngại hơn là ở chính sách của BoJ, khi không biết ngân hàng trung ương này sẽ còn thêm đợt tăng lãi suất nào trong thời gian tới hay không. Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp cuối tháng 7, BoJ cho biết do lạm phát thực vẫn ở mức thấp, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất và điều chỉnh chính sách tiền tệ để nền kinh tế và giá đi đúng mục tiêu. Điều này đồng nghĩa với các đợt bán tháo tài sản được tài trợ bởi nguồn vốn vay bằng đồng yen có thể còn tiếp tục diễn ra.

Nhà đầu tư cũng sẽ hồi hộp theo dõi các bước leo thang chiến tranh giữa Iran và Irsael sẽ diễn ra như thế nào trong tháng 8 này. Hiện chưa rõ đòn tấn công của Iran nhắm vào Israel sẽ được phát động vào thời điểm nào và ở quy mô ra sao, trong khi một số nguồn tin cho hay Ngoại trưởng Mỹ Blinken dự báo Iran sẽ tiến hành chiến dịch tập kích trong 24-48 giờ tới. Dù vậy, các đòn trả đũa sau đó của Israel có thể kéo dài cuộc chiến hơn. Phía Mỹ đang liên tục gửi thông điệp đến Tehran qua các kênh ngoại giao, nhằm can ngăn Iran tấn công trả đũa nhắm vào Israel.

Một thông tin tiêu cực khác cũng cần được các nhà đầu tư chú ý, đó là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết dự kiến triệu tập các chuyên gia để bàn về khả năng ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Congo hiện tăng mạnh, khiến nhiều người tử vong. Hầu hết ca nhiễm đều do chủng mới nguy hiểm gây nên, tỷ lệ tử vong khoảng 5% ở người lớn và 10% ở trẻ em.

Trong trường hợp tiếp tục đi xuống, mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index nằm tại 1.165 điểm, tương ứng với Fibo 50% kéo từ đáy của tháng 11 năm ngoái đến đỉnh cao đạt được hơn 1.300 điểm vào giữa tháng 6 năm nay. Vùng 1.165 điểm cũng là mức đáy của VN-Index trong đợt điều chỉnh mạnh diễn ra vào giữa tháng 4 năm nay. Vùng hỗ trợ mạnh hơn sẽ đặt quanh mốc 1.100 điểm, theo đó các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp chỉnh để tái cơ cấu lại danh mục sang cổ phiếu các doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm nay.

Về hiệu suất quá khứ, tháng 8 lại là một trong số ít tháng có diễn biến khá tốt, với VN-Index tăng bình quân 2,6% trong 23 năm qua, chỉ xếp sau mức tăng của tháng 1. Trong bốn năm gần nhất giai đoạn 2020-2023, VN-Index cũng tăng trong tháng 8, đặc biệt là mức tăng mạnh đến 9,5% trong tháng 8-2020. Vì vậy, dù áp lực giảm điểm do ảnh hưởng của thị trường thế giới vẫn hiện hữu, nhưng với triển vọng kinh tế đang tích cực trở lại và các chính sách vẫn duy trì định hướng nới lỏng, vẫn có những kỳ vọng lạc quan cho thị trường trong giai đoạn kế tiếp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,249.39

+25.83 (+2.11%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

38,127.50

+1,425.00 (+3.88%)

Biểu đồ mã Nikkei 225
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả