Chứng khoán tháng 3 – săn cơ hội ở cổ phiếu vốn hóa nhỏ?
Áp lực chốt lời đang ngày càng gia tăng khi thị trường đã trải qua chuỗi tăng điểm ấn tượng trong hai tháng qua với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực dẫn dắt quan trọng. Liệu đợt điều chỉnh có diễn ra và dòng tiền có luân chuyển tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn?
Áp lực chốt lời?
Từ mức tăng hơn 12 điểm, chỉ số VN-Index sau đó đảo chiều rớt mạnh khi không thể vượt ngưỡng kháng cự quanh 1.240 điểm, để kết phiên giảm hơn 15 điểm, tương đương giảm 1,25% trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước (ngày 23-2-2024). Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt với gần 1,25 tỉ cổ phiếu được trao tay tính riêng trên sàn HOSE, tăng gần 57% so với phiên trước đó, cho thấy lực chốt lời dứt khoát.
Diễn biến đảo chiều giảm mạnh kèm với thanh khoản tăng mạnh là một tín hiệu rất xấu, hàm ý bên bán muốn thoát hàng bằng mọi giá, trong bối cảnh thị trường đã có chuỗi tăng khá dài từ đầu năm đến nay, đặc biệt lực tăng nhanh trong nửa đầu tháng 2. Những tín hiệu cảnh báo rủi ro điều chỉnh cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, khiến nhiều nhà đầu tư càng thêm e ngại thị trường đang tạo đỉnh ngắn hạn, nhất là lực tăng có dấu hiệu suy yếu dần trong những phiên cuối tuần trước.
Những biến động đáng chú ý ở nền tảng vĩ mô cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong khi lãi suất liên ngân hàng đã tăng vọt trong những ngày gần đây, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng cũng liên tiếp leo thang với mức tăng khá mạnh kể từ giữa tháng 2 đến nay. Trước tình hình nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vẫn khá tích cực, đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang chững lại, diễn biến tăng nhanh của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước là khá bất ngờ.
Dễ hiểu vì sao thị trường phản ứng tiêu cực như vậy. Trong quá khứ, thị trường chứng khoán cũng thường có diễn biến tiêu cực mỗi khi tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chịu áp lực, do tiền đồng nếu mất giá nhanh sẽ gây tác động tiêu cực lên lãi suất. Rủi ro tỷ giá cũng thúc đẩy khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh. Thống kê cho thấy trong tuần trước (từ ngày 19 đến 23-2), nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 1.500 tỉ đồng trên sàn HOSE, trong đó riêng phiên giảm sâu ngày 23-2 nhóm này đã bán ròng đến 775 tỉ đồng, tức chiếm hơn 50% tổng giá trị bán ròng của cả tuần.
Thông tin Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ thao túng thị trường chứng khoán liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, trong đó có những lãnh đạo, cán bộ thuộc HOSE, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, có lẽ cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và các đội nhóm “lái” cổ phiếu.
Ngoài ra, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB sắp diễn ra trong tháng 3 và kéo dài đến hai tháng cũng có thể hé lộ những thông tin mới, đồng thời không loại trừ khả năng mang đến những tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính.
Tìm cơ hội khi dòng tiền luân chuyển
Trong những phiên vừa qua, một số cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua đỉnh cũ để thiết lập nên các mức giá kỷ lục mới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ngày càng gia tăng, khi dư địa đi lên không còn nhiều. Đặc biệt, tín dụng toàn ngành sau khi tăng đột biến trong tháng cuối năm 2023 đã sụt giảm trở lại 0,6% trong tháng 1 đầu năm nay, dù nhà điều hành đã giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, nợ xấu toàn ngành ngân hàng có thể sẽ còn tiếp tục đi lên. Số liệu thống kê cho thấy có 22 trong số 28 ngân hàng niêm yết chứng kiến tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 tăng so với năm 2022. Báo cáo chiến lược của SSI Research vừa phát hành cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quí 3-2024, sau đó mới bắt đầu giảm trở lại theo kịch bản cơ sở. Những thông tin này rõ ràng không mấy tích cực cho cổ phiếu ngân hàng.
Tương tự, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng chứng kiến đà tăng đang suy yếu và đứng trước nguy cơ điều chỉnh bất kỳ lúc nào. Trong phiên ngày 23-2, khi chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm, chỉ số VN30 thậm chí còn giảm mạnh hơn khi bốc hơi gần 17 điểm, tương đương mất gần 1,4% giá trị. Nói cách khác, mức giảm mạnh của VN-Index chính là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong chỉ số VN30 gây ra. Rõ ràng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh, thị trường chung cũng lao dốc là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nhịp điều chỉnh ngắn hạn lần này có thể sẽ là cơ hội để kích hoạt dòng tiền dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn. Với triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì, lịch sử thị trường tháng 3 cũng thường có diễn biến khá tốt nhờ bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin và mùa họp đại hội đồng cổ đông đến gần, có cơ sở để kỳ vọng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn đang mở ra.
Thực tế đã xuất hiện những phiên chứng kiến dòng tiền có dấu hiệu luân chuyển sang nhóm vốn hóa nhỏ, thị giá thấp để đón đầu, đẩy giá các cổ phiếu này đi lên với thanh khoản tăng vọt. Như trong phiên ngày 22-2, nhóm cổ phiếu penny bất ngờ nổi sóng. Tuy nhiên, diễn biến này khiến không ít nhà đầu tư quan ngại về việc VN-Index đã bước vào đoạn cuối nhịp tăng ngắn hạn.
Thống kê cũng cho thấy trong khi chỉ số giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (large cap) và trung bình (midcap) đã tiến đến vùng đỉnh gần nhất đạt được vào tháng 9 năm ngoái, đặc biệt định giá của nhóm midcap hiện cũng tương đương với nhóm large cap, ngược lại nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small cap) và siêu nhỏ (micro cap) vẫn còn cách khá xa vùng đỉnh tháng 9 năm ngoái. Do đó, khả năng dòng tiền tìm cơ hội lướt sóng ngắn hạn ở nhóm này trong thời gian tới là có cơ sở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận