Chứng khoán tăng nhanh, cần có giải pháp đón đầu để không nghẽn lệnh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, với tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay, các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam và Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động, có giải pháp đón đầu để hệ thống giao dịch của thị trường không bị xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, đảm bảo các điều kiện giao dịch tốt nhất cho nhà đầu tư.
Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chủ động, kịp thời báo cáo Bộ Tài chính triển khai các giải pháp xử lý hiện tượng nghẽn lệnh trên HoSE nhằm trấn an tâm lý nhà đầu tư. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, UBCKNN, hệ thống giao dịch mới của HOSE đã vận hành từ ngày 5/7/2021. Hệ thống này đã xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh, đảm bảo hoạt động của thị trường được thông suốt. “Qua 100 ngày đúng kế hoạch, vấn đề nghẽn lệnh đã được khắc phục kịp thời, triệt để, thành công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, kết quả kinh tế của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt các mức tăng trưởng khoảng 2,59%. Các cân đối vĩ mô đều được giữ vững; các vấn đề về lạm phát, lãi suất, tỷ giá..đều giữ được ở mức bình thường. “Trong bối cảnh khó khăn, nhưng thu ngân sách vẫn vượt kế hoạch và tăng trưởng chứng tỏ sự nỗ lực của toàn ngành và các địa phương, cũng như sự đổi mới trong cách thu. Một loạt giải pháp thu đã được đổi mới như hóa đơn điện tử có mã, thu trên nền tảng số và cả trên TTCK. Năm 2021, thu trên TTCK đã đạt khoảng gần 11 nghìn tỷ đồng, tăng rất tốt so với con số 5.200 tỷ đồng của năm 2020”, Bộ trưởng cho biết.
Đối với lĩnh vực chứng khoán, so với năm 2020, chỉ số VN-Index tăng 35,7%, đạt 1498,28 điểm khi đóng cửa phiên cuối năm 2021; thanh khoản gấp 2,6 lần so với năm 2020, đạt 26.600 tỷ đồng/phiên, đặc biệt trong tháng 9/2021, TTCK Việt Nam liên tục có những phiên thanh khoản vượt 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên vượt 2 tỷ USD. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 467,8% và đạt 123% so với GDP 2020, đạt 92,6% so với GDP ước tính năm 2021. Số tài khoản mở đạt trên 1,5 triệu tài khoản, bằng tổng số tài khoản mở mới 4 năm cộng lại. “Đây là những con số biết nói của TTCK năm 2021”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp phải những thách thức đến từ đại dịch COVID-19; lạm phát chịu áp lực tăng cao; nền kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn và chịu sự biến động thất thường. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải luôn đổi mới, chủ động các giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành Chứng khoán tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, từ cập nhật các quy định mới từ luật, các nghị định, thông tư, chính sách mới và Chiến lược phát triển của TTCK, để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TTCK năm 2022 có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh. Lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ vào năm 2022 nhưng chứng khoán vẫn là kênh được ưa chuộng để thu hút các nhà đầu tư F0. VDSC dự báo: VN-Index năm 2022 sẽ dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên một cổ phiếu) là 17% năm 2022 của danh mục cổ phiếu công ty này theo dõi (đại diện 41% vốn hóa thị trường) và mức P/E (hệ số giá/lợi nhuận cổ phiếu) dự phóng năm 2022 là 16,4 lần.
Theo VDSC, mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. VDSC cho rằng, điều này sẽ tiếp tục diễn ra năm 2022 với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới; thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường dự báo dao động trong khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên (tăng 36% so với năm trước).
Cũng theo các chuyên gia của VDS, thị trường chứng khoán 2022 có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện COVID-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020). Thông tin có thể xem là tiêu cực trong năm 2022 có lạm phát. Mặc dù VDSC dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì rủi ro về lạm phát vẫn là yếu tố cần theo dõi. Một điểm cũng được VDSC đánh giá tác động xấu đến TTCK năm 2022, đó là sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn của VN-Index (2019 là một ví dụ). Do đó, trên kịch bản tiêu cực, thị trường sẽ phải đối mặt áp lực lớn hơn nếu lực lượng nhà đầu tư "F0" không mạnh mẽ như năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận