Chứng khoán phái sinh: Gặp khó ở ngưỡng cản
VN30-Index tiếp tục tăng trong tuần qua, nhưng phiên cuối tuần giảm điểm sau khi tiến gần tới ngưỡng 1.500 điểm. Nếu các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không tạo được lực đẩy, chỉ số có khả năng sẽ hình thành vùng tích lũy.
Yếu tố liên thị trường dần cải thiện
Theo thống kê của Reuters, 6 thị trường châu Á bị khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất (trong đó có Việt Nam) trong tháng 7/2021 có giá trị rút ròng là 10,6 tỷ USD. Sự vận động của dòng tiền khiến cho sự khác biệt giữa xu hướng của các thị trường chứng khoán thế giới ngày càng rõ nét.
Tuần qua, trong khi các chỉ số lớn của Trung Quốc như Shanghai, Hang Seng nhìn chung vẫn “ngụp lặn” trong đà giảm, thì Dow Jones, S&P500 của Mỹ liên tiếp lập đỉnh mới. Đối với nhà đầu tư phái sinh, yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tâm lý là diễn biến trên thị trường Mỹ, kết hợp với động thái bắt đầu mua ròng trở lại trên thị trường Việt Nam của khối ngoại, yếu tố liên thị trường đã ủng hộ cho đà hồi phục ngắn hạn.
Sang tuần mới, sự kiện đáng chú ý sẽ là thông tin về lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố vào đêm thứ Tư ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam).
VN30-Index tiệm cận vùng kháng cự mạnh
Trong tuần đầu tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam vận động đúng như kỳ vọng, động lượng tăng được duy trì nhờ giá vượt khỏi viền cổ của mẫu hình hai đáy theo phân tích kỹ thuật. Các rung lắc trong phiên chỉ trong biên độ khoảng 20 điểm, do đó không đủ thuyết phục để ngăn cản đà hồi phục kỹ thuật.
Rắc rối chỉ đến vào phiên cuối tuần khi VN30-Index áp sát và phản ứng với vùng kháng cự mạnh. Mức 1.500 điểm không chỉ là kháng cự tâm lý, mà còn là nền giá cũ và mốc fibonacci hồi quy 61,8%. Đà tăng phải thực sự thuyết phục và được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng mới có thể khiến bên mua mạnh tay đặt lệnh trong những mốc kháng cự mạnh như vậy.
Trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn đang gặp khó khăn thì chiến lược trong tuần mới nghiêng về khả năng giao dịch trong biên độ.
Khuyến nghị - chiến lược giao dịch: Chỉ mua mới khi giá điều chỉnh
Trong nền khu vực dao động giá kéo dài từ tháng 7 tới nay, mức hỗ trợ mạnh nhất cho chỉ số nằm tại 1.420 điểm. Đối với chiến lược “giao dịch ngắn hạn”, nhà đầu tư nên quan sát mở lệnh mua mới khi giá điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.420 - 1.440 điểm và quản trị rủi ro nếu giá thủng mốc 1.400 điểm. Ngược lại, giá mục tiêu tiếp tục là vùng kháng cự mạnh 1.480 - 1.500.
Lưu ý, hợp đồng VN30F1M đang thiếu xu hướng trung hạn. Giá chưa vượt hẳn khỏi đỉnh cũ để hình thành sóng tăng mới, nhưng cũng không thủng khỏi mốc 1.240 điểm để chuyển sang chiều hướng tiêu cực. Đây không phải là bối cảnh phù hợp để mở các vị thế nắm giữ dài hạn. Do đó, với chiến lược “giao dịch theo xu hướng”, nhà đầu tư nên ưu tiên đứng ngoài quan sát.
Nhật ký giao dịch phái sinh tuần qua
Chiến lược “giao dịch theo xu hướng” ưu tiên quan sát, nói cách khác là dành một phần tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản. Khi giữ một phần tiền mặt và chỉ giao dịch trong biên độ với tỷ trọng nhỏ, nhà đầu tư đảm bảo cho mình một góc nhìn tỉnh táo và khách quan, đồng thời gia tăng độ linh hoạt trong bối cảnh mở lệnh có xác suất thành công không cao do thị trường thiếu xu hướng.
Theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục nắm giữ các vị thế mua tỷ trọng nhỏ và không có được cơ hội gia tăng tỷ trọng khi các biến động giá trong tuần không chạm tới ngưỡng hỗ trợ 1.420 điểm. Dự báo, thị trường sẽ hình thành vùng tích lũy trong 1 - 2 tuần tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận