Chứng khoán Mỹ có Fed... chứng khoán Trung Quốc có truyền thông thúc đẩy
Giới chuyên gia cho biết, hai yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong phiên 6/7: sự lạc quan về Trung Quốc cùng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ thị trường.
Một bài xã luận trên trang nhất của Tạp chí Chứng khoán nhà nước Trung Quốc được cho là nhân tố thúc đẩy phiên tăng mạnh mẽ của chứng khoán Trung Quốc và hiệu ứng lan tỏa ra các thị trường chứng khoán khu vực.
Chỉ số Shanghai đã tăng 5,7% sau thông điệp nhà đầu tư nên trông chờ vào hiệu ứng giàu có của thị trường chứng khoán và triển vọng cho một thị trường tăng giá lành mạnh.
“Chúng tôi có Fed để thúc đẩy thị trường tăng trưởng, Trung Quốc lại có phương tiện truyền thông”, theo Peter Boockvar, chiến lược gia đầu tư tại Bleakley Advisory Group.
Các nhà đầu tư cá nhân dường như đang đóng một vai trò quan trọng trong phiên tăng giá hôm 6/7. Chỉ số CSI 300 đã tăng gần 6%, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm. Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng 3,8%.
“Có một lịch sử khá dài của các nhà hoạch định chính sách sử dụng phương tiện truyền thông để thúc đẩy thị trường chứng khoán và không phải lúc nào cũng kết thúc tốt đẹp. Chúng tôi đã thấy điều đó vào năm 2015, với cùng một tuyên bố tương tự của chính quyền Trung Quốc. Họ đã cố gắng đẩy thị trường lên cao hơn. Thị trường đã tăng sau đó rồi lại sụp đổ”, theo Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics.
“Việc các nhà đầu tư tham gia vào thị trường là hợp lý vào thời điểm hiện tại do thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách rằng thị trường sẽ tăng lên và điều đó có thể có khả năng xảy ra trong một thời gian”, ông cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm các vấn đề thương mại với Mỹ. Nhưng trong thời gian tới, triển vọng cải thiện kinh tế từ Trung Quốc có thể lan tỏa ra các thị trường khác và cải thiện thương mại toàn cầu.
Peter Boockvar cho biết có thể có một số lý do cho thấy việc tăng giá tại thị trường Trung Quốc là khả thi.
“Thị trường chứng khoán quốc tế đã kém hơn rất nhiều so với thị trường Mỹ trong 10 năm qua. Chỉ số Shanghai vẫn đang giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh năm 2007”, ông Boockvar nói.
Chỉ số Shanghai đã tăng 5,8% trong tuần trước. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã tăng 1,8% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã tăng 1,7% trong phiên 6/7.
“Có lẽ đó là thời gian dành cho châu Á, nơi dường như đã kiểm soát virus tốt hơn Mỹ để thị trường của họ bắt kịp”, theo ông Boockvar.
Biểu đồ tương quan giữa chỉ số Shanghai và S&P 500
Vào ngày thứ Sáu (3/7), chỉ số PMI dịch vụ của Trung Quốc có mức nhảy vọt tốt nhất trong một thập kỷ. Chỉ số PMI Hồng Kông tháng 6 cũng tăng lên mức 49,6 từ 43,9 vào tháng Năm.
Bất chấp sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm Covid-19, chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng điểm, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới cũng tăng mạnh.
“Tôi đã bắt đầu tin rằng, trường hợp Covid-19 là một chỉ báo ngược. Con số này càng tăng thì thị trường đi lên càng cao vì tiền từ Fed và các gói kích thích tài khóa sẽ đổ vào thị trường”, theo Andrew Brenner từ National Alliance.
Đối với thị trường Trung Quốc, Hao Hong - Giám đốc điều hành Công ty quản lý vốn đầu tư Bocom cho biết, chỉ số Shanghai đã vượt qua đường trung bình dài hạn 850 ngày.
“Thị trường tiếp tục tin rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ như hoạt động mở rộng tín dụng và tiền tệ gần đây của Trung Quốc. Nhưng ở Trung Quốc, thị trường con bò đến nhanh mà kết thúc cũng nhanh”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận