Chứng khoán châu Á trái chiều, Trung Quốc tăng mạnh nhất khu vực
Chứng khoán Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng, Australia, Hong Kong giảm.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương trái chiều trong phiên giao dịch 6/9.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,36% lên 3.243,56 điểm. Chỉ số Shenzhen Component tăng 1,037% lên 11.799,81 điểm. Chứng khoán Trung Quốc diễn biến tích cực trước một loạt các giải pháp hỗ trợ thị trường được áp dụng thời gian gần đây.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,025% lên 27.626,51 điểm trong khi chỉ số Topix giảm 0,11% xuống 1.926,58 điểm. Đồng yên giảm xuống ngưỡng thấp nhất 24 năm, hiện giao dịch ở ngưỡng 141,65 JPY đổi 1 USD.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,26% lên 2.410,02 điểm. Chỉ số Kosdaq tăng 1,04% lên 779,46 điểm.
Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,12% xuống 19.202,73 điểm.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,38% xuống 6.826,5 điểm.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 0,04%.
Trong ngày 5/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc nhằm hỗ trợ tỷ giá đồng nhân dân tệ. Theo đó, kể từ ngày 15/9, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc tại các ngân hàng giảm từ 8% về 6%.
“Động thái này giúp gia tăng thanh khoản ngoại tệ, qua đó hạn chế đà mất giá của đồng nhân dân tệ. Đây là tín hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách không hài lòng với sự suy yếu của đồng tiền nội địa”, theo nhóm chuyên gia tới từ Goldman Sachs.
Một ngày sau đó, PBoC neo tỷ giá tham chiếu CNY/USD ở ngưỡng 6,9096, thấp nhất kể từ 25/8/2020 nhưng cao hơn dự báo 10 ngày liên tiếp, theo Wind Information.
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Dự trữ Australia tăng lãi suất thêm 0,5% lên 2,35%, đồng nhất với dự báo trước đó của Reuters. Đồng AUD ngay lập tức suy yếu xuống ngưỡng 1 AUD đổi 0,6779 USD. Đây là lần thứ 5 liên tiếp RBA tăng lãi suất trong vòng hơn 3 tháng gần đây.
Hiện lạm phát của Australia neo ở ngưỡng 6,1% trong tháng 6, cao gấp đôi so với ngưỡng mục tiêu 2-3% của RBA.
Tại Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động giảm từ 2% trong tháng 6 xuống còn 1,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các khoản thưởng đối với người lao động tại quốc gia này không gia tăng đáng kể, theo Darren Tay, Chuyên gia kinh tế tới từ Capital Economics Japan.
“Với việc lạm phát có thể chạm ngưỡng 3% trong cuối năm nay, tiền lương thực tế của người lao động Nhật Bản được dự báo tiếp tục đi lùi. Nhưng người tiêu dùng có thể tận dụng khoản tiết kiệm trong giai đoạn đại dịch để chi tiêu, mua sắm”, ông nói.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 5/9.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận