Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống, Trung Quốc dẫn đầu đà giảm
Chứng khoán Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc... giảm điểm. Tại Trung Quốc, Thượng Hải và nhiều địa phương khác tiến hành xét nghiệm diện rộng, hạn chế đi lại. Chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng dù đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch 6/7. Trung Quốc dẫn đầu đà giảm khu vực khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,43% xuống 3.355,35 điểm, chỉ số Shenzhen Component giảm 1,25% xuống 12.811,33 điểm.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 1,22% xuống 21.586,66 điểm. Giá cổ phiếu của công ty dầu khí CNOOC giảm 5,29%, ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số này. Giá cổ phiếu của HSBC giảm 3,63% sau khi ngân hàng này tăng tỷ lệ vốn dự trữ chống rủi ro chu kỳ từ 1% lên 2%.
“Chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng tại Thượng Hải làm gia tăng quan ngại các biện pháp phong tỏa một lần nữa quay trở lại thành phố này, và thậm chí là nhiều địa phương khác tại Trung Quốc. Nếu thành sự thật, điều này sẽ có tác động lan tỏa tới một loạt các thị trường khác trong khu vực”, theo ANZ Research.
Trước đó, Thượng Hải sẽ tiến hành chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng tại một số quận sau khi một số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện thời gian gần đây, theo thông báo trên tài khoản WeChat của chính quyền thành phố.
Tại Trung Quốc, 11 thành phố đã ra lệnh giới hạn di chuyển, tăng 6 địa phương so với tuần trước đó, Ting Lu, Kinh tế trưởng thị trường Trung Quốc tại Nomura, chia sẻ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,2% xuống 26.107,65 điểm. Chỉ số Topix giảm 1,23% xuống 1.855,97 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,13% xuống 2.292,01 điểm, trong khi chỉ số Kosdaq tăng 0,84% xuống 744,63 điểm.
Chỉ số S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,52% xuống 6.594,5 điểm.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,14%.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ trước khi hồi phục ấn tượng vào cuối phiên.
Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,75% lên 11.322,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,16% lên 3.831,39 điểm sau khi có thời điểm mất tới hơn 2%. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 129,44 điểm, tương đương 0,4%, xuống 30.967,82 điểm, tuy nhiên, trước đó, chỉ số này giảm tới hơn 700 điểm.
Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều trong ngày hôm qua, làm dấy lên quan ngại suy thoái. Thông thường, lợi suất trái phiếu dài hạn cao hơn ngắn hạn. Nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng lên ngưỡng 2,8283%, cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện ở ngưỡng 2,8272%.
“Suy thoái chính là rủi ro lớn nhất mà các thị trường đang phải đối mặt, trong đó có cả thị trường chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa”, theo Ben Snider, Chiến lược gia cấp cao tại Goldman Sachs, chia sẻ trong chuyên mục “Squawk Box Asia” của CNBC trong sáng 6/7.
Ngân hàng trung ương Malaysia vừa công bố chính sách tiền tệ mới. Theo đó, lãi suất điều hành tại quốc gia này tăng 0,25%, khớp với dự báo của Reuters.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận