Chủ tịch Vũ Quang Lãm: Vấn đề liên quan ông Nguyễn Cao Trí nếu có xảy ra không ảnh hưởng đến Saigonbank
Sáng ngày 27/04, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Sài gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và tăng vốn điều lệ.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Saigonbank được tổ chức sáng ngày 27/04.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM phát biểu tại Đại hội, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng có lợi cho cổ đông. Giá cổ phiếu là theo cung cầu thị trường, khi thị trường xuống cổ phiếu có tốt đến mấy nhà đầu tư vẫn bán, do đó cũng không thể nói trước được việc vì sao hoạt động Ngân hàng tốt mà cổ phiếu vẫn bị bán.
Ông Dũng đề xuất SGB nghiên cứu việc chuyển sàn vì đã ở UPCoM lâu rồi, việc giao dịch ở UPCoM bị hạn chế là thanh khoản kém và nên triển khai sớm để có lợi cho cổ đông.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng qua các năm, việc giám sát sát nợ xấu thế nào?
Ông Vũ Quang Lãm: Nợ xấu ngân hàng kiểm soát 1.91% năm 2021 và cuối năm 2022 tăng lên, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới bất ổn, các đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm sút kéo theo lãi suất biến động. Đa số khách hàng của SGB đều tốt, họ hợp tác và trả nợ, Ngân hàng cũng hỗ trợ giản hoãn nợ theo NHNN.
Những khách hàng có CIC không tốt, họ không trả đúng lãi, nợ chuyển sang nợ xấu.
Chi phí dự phòng?
Ông Vũ Quang Lãm: Phân loại chi phí dự phòng đủ và trích đúng quy định. Các khoản nợ kể cả nợ xấu tại SGB đều có tài sản đảm bảo đầy đủ để xử lý. Ngân hàng vẫn phải trích dự phòng theo quy định, đây chính là khoản dự phòng cho nợ xấu, khi đòi được nợ sẽ trở thành thu nhập bất thường cho Ngân hàng. Ban kiểm soát và kiểm toán kiểm soát chặt chẽ việc này. Năm qua trích 250 tỷ đồng để dự phòng, việc trích này để đảm bảo an toàn hoạt động Ngân hàng.
Mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và lợi nhuận?
Ông Vũ Quang Lãm: Chỉ có thị trường mới trả lời được. Giá cổ phiếu SGB đang giao dịch trên 13,000 đồng/cp và hiện nay có nhiều ngân hàng giao dịch dưới mức giá này. Mong cổ đông đánh giá công bằng, cổ phiếu chúng ta vẫn tốt, vừa có lợi nhuận và vừa giữ được mức an toàn.
Chia cổ tức cho cổ đông đã đề nghị trong 2 kỳ ĐHĐCĐ 2021 và 2022 nhưng vẫn chưa được chia, vậy cổ tức năm nay dự kiến chia có khả thi, cụ thể thế nào?
Ông Vũ Quang Lãm: Chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng tương đương chia bằng tiền.
Ông Trần Quốc Thanh – Thành viên HĐQT: Theo phương án trình chia cổ tức để tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM được tự do chuyển đổi, nếu cổ đông không muốn giữ cổ phiếu, có thể chuyển đổi sang tiền mặt, hiện nay có giá xấp xỉ 13,000 đồng/cp.
Đầu tư khách sạn Hạ Long, 1 năm lãi hơn 3 tỷ đồng, vậy đơn vị này hoạt động kinh doanh thế nào, thực chất lợi nhuận SGB góp vào ra sao?
Ông Vũ Quang Lãm: Đầu tư tại khách sạn Hạ Long là 1 liên doanh lớn, cổ đông lớn nhất là Saigon Tourist sở hữu 51%, 2 năm qua họ không chia cổ tức, lý do vì dịch Covid-19. Tới đây, SGB sẽ cử người tham gia vào Khách sân Hạ Long, báo cáo cho thấy tình hình hoạt động năm 2023 cũng tươi sáng.
Ông Nguyễn Cao Trí và người liên quan không vay tại SGB
Việc ông Nguyễn Cao Trí tham gia vào HĐQT chưa thông báo cho cổ đông, tình hình hiện nay của ông Nguyễn Cao Trí thế nào?
Ông Vũ Quang Lãm – Chủ tịch HĐQT: Năm 2019, ông Nguyễn Cao Trí được đề cử tham gia HDQT và được bầu công khai tại ĐHĐCĐ 2019 dưới hình thức bầu dồn phiếu. Việc này công khai, toàn bộ hồ sơ ứng cử đã gửi cho cơ quan thẩm quyền xem xét.
Mọi thông tin về ông Nguyễn Cao Trí đều đã thông báo công khai, báo cáo về Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan chức năng.
Đến nay, SGB cũng chỉ nhận được thông tin ông Trí không còn tư cách HĐQT của SGB và đã thông báo. Số phận hiện tại của ông Trí thế nào còn phải chờ cơ quan chức năng. HĐQT hiện tại vẫn đủ 5 người, đảm bảo nhiệm vụ Ngân hàng.
Việc ông Nguyễn Cao Trí mất tư cách thành viên HĐQT ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của SGB?
Ông Vũ Quang Lãm: Từ trước đến nay ông Nguyễn Cao Trí chỉ tham gia tư cách thành viên HĐQT và không trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành quản lý hoạt động của Saigonbank.
Ông Nguyễn Cao Trí và những người có liên quan không phát sinh khoản vay nào tại SGB. Mọi vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Cao Trí nếu có xảy ra không ảnh hưởng hoạt động của Saigonbank.
Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%
Saigonbank dự kiến phát hành 30.8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, mệnh giá 10,000 đồng/cp. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 3,080 tỷ đồng lên 3,388 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ năm 2016 trờ về trước, năm 2017 đến năm 2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 của Saigonbank là 237 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận năm 2022 còn lại là hơn 161 tỷ đồng. Lợi nhuận các năm trước chưa chia là gần 243 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại dự kiến là hơn 96 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong năm 2023 sau khi xín ý kiến của ĐHĐCĐ và hoàn tất các thủ tục khác theo quy định.
Số vốn tăng thêm sẽ được Saigonbank sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, mở rộng mạng lưới hoạt động, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn…
Nguồn: VietstockFinance
Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 300 tỷ đồng, tăng 27%
Với số vốn điều lệ tăng thêm, Saigonbank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 29,400 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 6% và 6.9%, đạt 24,750 tỷ đồng và 20,915 tỷ đồng. Nợ xấu (nhóm 3-5) sẽ vẫn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gần 27% so với kết quả năm 2022.
Nguồn: VietstockFinance
Saigonbank cho biết chỉ tiêu năm 2023 được đề ra trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình kinh tế.
Ngân hàng cũng đề ra 6 giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu năm 2023: (1) tăng trưởng quy mô hoạt động, phát triển an toàn - bền vững; (2) chuyển đổi số hoạt động ngân hàng theo lộ trình phù hợp, làm nền tảng cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ; (3) kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý thu hồi các khoản nợ tồn đọng; (4) nâng cao hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro; (5) quản trị nhân sự, thúc đẩy năng suất lao động; (6) nâng cao giá trị thương hiệu Saigonbank.
Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 vẫn đủ số lượng
Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 là 6 thành viên. Kể từ ngày 19/01/2023, ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên HĐQT Saigonbank theo Luật các Tổ chức tín dụng.
Kể từ ngày 19/01/2023, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của Saigonbank còn 5 thành viên, vẫn đủ số lượng thành viên HĐQT và năng lực quản trị Ngân hàng đến hết nhiệm kỳ.
Căn cứ số lượng nhân sự người quản lý và tình hình hoạt động kinh doanh năm 2022, Saigonbank trình ĐHĐCĐ quyết toán quỹ tiền lương, thù lao thực hiện của người quản lý năm 2022 là gần 10.6 tỷ đồng. Tổng dự toán quỹ tiền lương, thù lao của người quản lý năm 2023 là gần 8.7 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận