24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sao Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chủ tịch FPT: Nhân loại dễ bước vào thời kỳ phục hưng mới và doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội

Ví dịch COVID-19 như bệnh dịch hạch ở châu Âu từng là bước ngoặt đưa thế giới bước vào thời Phục Hưng, Chủ tịch FPT cho rằng, nhân loại đang rất dễ bước vào thời kỳ phục hưng mới và doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu Covid-19” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức sáng 5/5 nhằm thảo luận và đưa ra những kiến nghị gửi đến Thủ tướng tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra vào ngày 9/5 tới.

Phải dự đoán trước tương lai sẽ đi về đâu

Theo ông Trương Gia Bình, đã được trải qua một số cuộc khủng hoảng, chiến tranh, ông dự cảm thấy có cái gì đó tệ hơn những điều tệ nhất đang đến. Song điều quan trọng nhất là phải dự đoán trước tương lai sẽ đi về đâu.

"Thực tế, chúng ta đang gặp phải một tình huống chưa từng xảy ra. Nó bao gồm ba con virus và về nguyên tắc, chúng ta chưa biết cách chữa cho cả ba con", ông nói.

Đầu tiên, đó là virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Đây tuy là một loại virus rất bé nhưng biến đổi khá nhanh nên chúng ta kiểu gì cũng gặp lại và có thể phải chấp nhận miễn nhiễm cộng đồng, tức là 60% dân số phơi nhiễm rồi mới miễn nhiễm. Lúc ấy mới có hậu COVID.

Chủ tịch FPT cho rằng, Việt Nam đã rất thành công trong giai đoạn vừa rồi, nhưng khi chưa có vaccine hay miễn nhiễm thì dịch sẽ bùng phát và Việt Nam khó tránh khỏi, vấn đề là thời gian.

Virus thứ hai là virus sợ hãi và virus này rất dễ lan truyền, nhất là trong thời đại internet bùng nổ như hiện nay. "Hôm nay chúng ta vui nhưng ngày mai có một người chết thì virus sợ hãi sẽ khiến chúng ta co rúm lại. Và chúng ta không biết xử lý như thế nào", ông nói.

Loại virus thứ ba là tiêu dùng tối thiểu. "Chúng ta đã trải qua thời kỳ đẹp đẽ 2019, chúng ta cảm giác cuộc đời tươi đẹp, tăng trưởng tốt. Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, nhìn những hàng dài đứng trước ATM gạo, chúng ta có thể thấy nhu cầu tiêu dùng co rút lại vào tối thiểu. Điều này đang xảy ra trên quy mô toàn cầu. Khi nhu cầu rút vào tối thiểu thì rất khó để xây dựng nền kinh tế. Nước Mỹ trở thành cường quốc cũng nhờ người dân sẵn sàng vay để tiêu", theo nhìn nhận của ông Bình.

Chủ tịch FPT nhấn mạnh, loại virus thứ hai và thứ ba có thể kéo dài 3-5 năm nên các doanh nghiệp đang đứng trước tình huống nguy nan và không biết ứng phó như thế nào.

Do đó, ông đề xuất các doanh nghiệp phải tiến hành đồng thời cả ba mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải tự vấn xem cần phải làm gì. Theo đó, chủ doanh nghiệp phải truyền được từ cảm xúc, suy nghĩ, hành động cho đến cơ chế ra quyết định cho hàng ngàn con người.

"Nếu như trước dịch, chúng ta chăm sóc cho cán bộ nhân viên, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống hạnh phúc. Thì bây giờ, chúng ta đòi hỏi mỗi cán bộ nhân viên phải làm việc bằng hai với thu nhập sụt giảm. Doanh nghiệp phải chuyển sang quản lý theo tuần, phản ứng theo ngày. Lãnh đạo phải tự quyết và chịu trách nhiệm, phát huy tinh thần tự cứu mình", ông Bình nói.

Nhân loại dễ bước vào thời kỳ phục hưng mới và doanh nghiệp phải nắm bắt cơ hội

Ông Bình cho rằng, dịch COVID-19 có nhiều điểm tương tự với bệnh dịch hạch ở châu Âu từng được gọi là "Cái chết đen". Sau "Cái chết đen" thế giới bước vào thời Phục Hưng. Nhân loại đang rất dễ bước vào một thời kỳ phục hưng mới và doanh nghiệp cần đặt ra câu hỏi liệu có ở trong nhóm phục hưng mới đó hay không.

Theo ông, dịch Covid-19 là một cú hích đẩy thế giới thay đổi nhanh và không thể quay về vị trí cũ. Do đó, cần liên tục suy nghĩ thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. "Chúng ta có thể không đủ sức khôi phục lại đế chế trong quá khứ, nhưng với sức lực đang còn, chúng ta sẽ phải cứu từng mục một. Và cách cứu là chuyển nó vào thế giới số, thế giới mà chúng ta không còn phụ thuộc vào COVID".

Trong tình huống chưa tìm được cách chữa trị COVID-19, ông Bình cho rằng, cần xác định quan điểm "sống chung với lũ". Đất nước không thể đóng lại trong vài năm tới. Đã không đóng được thì tính mạng là trên hết nên cần phải bảo vệ tính mạng người dân và phải trả lại cuộc sống bình thường sớm nhất, làm cho mọi người suy nghĩ vui vẻ, từ đó mới tạo ra các nhu cầu tiêu dùng.

"Nếu Việt Nam nghĩ về một tương lai mới và tập trung xây dựng tương lai mới đó, sau vài năm thắt lưng buộc bụng thì có thể bung ra. Lúc ấy, doanh nghiệp Việt Nam đã là một đẳng khác”, ông Trương Gia Bình nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
133.90 +0.90 (+0.68%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả