Chủ tịch Bình Định: Dự án gang thép 'khủng' không phải của cá nhân lãnh đạo nào!
Chủ tịch tỉnh Bình Định nêu quan điểm về dự án gang thép 53.000 tỷ đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (Ảnh: Trương Định).
Ngày 13/4, tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023, nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn) mà dư luận quan tâm.
Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi: Trước đây dự án dự kiến triển khai ở huyện Phù Mỹ nhưng bây giờ lại chọn Lộ Diêu, thị xã Hoài Nhơn, liệu có phải do người dân phản đối?
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay, lúc đầu dự án dự kiến làm ở huyện Phù Mỹ, nhưng khi nghiên cứu sâu thì thấy rằng triển khai ở đây bất lợi, đầu tư rất lớn và có nguy cơ rủi ro. Chính vì vậy mới tiếp tục khảo sát thêm và thấy rằng ở Lộ Diêu hợp lý nhất.
Ông Tuấn cho rằng, tỉnh muốn phát triển thì phải có một số dự án công nghiệp lớn dẫn dắt. Theo ông, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn là một trong những dự án lớn dẫn dắt tại tỉnh Bình Định. Đây cũng là dự án phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Phối cảnh dự án (Ảnh: TTXTĐT).
Ông Tuấn nhắc lại quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Theo ông, dự án hiện tại chỉ mới bắt đầu chủ trương, nghiên cứu để xây dựng; chấp thuận để nhà đầu tư đi khảo sát, xây dựng trình đề án để Chính phủ phê duyệt. Khi được trình ra thì các Bộ, ngành liên quan sẽ có trách nhiệm thẩm tra.
Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, trước khi trình ra Trung ương, tỉnh sẽ khẳng định một số việc. Trong đó, ông Tuấn nêu quan điểm để Dự án được tỉnh thông qua là công nghệ phải hiện đại; thứ hai là môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam, và vấn đề này Bộ TN&MT sẽ có ý kiến về lâu dài.
Bên cạnh đó, người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, cách khu vực ảnh hưởng phải đảm bảo khi di dời mọi điều kiện ít nhất là phải bằng, thậm chí phải tốt hơn và phải tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho người dân; không vi phạm các di tích lịch sử.
“Nếu đảm bảo các yếu tố này chúng tôi mới trình dự án ra ngoài Chính phủ, và lúc này các Bộ, ngành sẽ vào cuộc để vào kiểm tra”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, dự án này không phải của cá nhân bất cứ lãnh đạo nào của tỉnh mà đây là dự án cho tỉnh, cho quốc gia. Ông Tuấn cũng thừa nhận khả năng rủi ro không triển khai được dự án. Nếu dự án này không đáp ứng được các yêu cầu của tỉnh thì phải hủy.
Di tích lịch sử Tàu Không Số. Ảnh: Trương Định
Ông Tuấn cũng cho rằng, khi có dự án này, ngoài thu ngân sách cho tỉnh cũng sẽ tạo công ăn việc làm và kéo theo rất nhiều doanh nghiệp khác về làm phụ trợ.
Trước lo ngại dự án ảnh hưởng đến khu Di tích lịch sử Tàu Không Số tại Lộ Diêu, Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết, di tích sẽ được bảo vệ, không làm thay đổi, thậm chí còn được tôn tạo tốt hơn để tạo điểm nhấn trong khu vực này.
Theo ông Tuấn, thôn Lộ Diêu sẽ có khoảng 561 hộ dân và khoảng 4km bờ biển bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong chính sách bồi thường, quan điểm nhất quán là người dân phải cảm thấy hạnh phúc, chính sách bồi thường phải đi kèm với sinh kế ổn định.
Tỉnh cũng yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với chính quyền xã làm phương án bồi thường, hỗ trợ cho từng hộ gia đình, trong đó phải nghiên cứu kỹ từng hộ dân để có bồi thường cho phù hợp...
Theo dự kiến, Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn được xây dựng trên diện tích gần 470 ha, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 53.000 tỷ đồng (chia thành 3 giai đoạn đầu tư), công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.
Nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng gần 500 ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận