menu
Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
TS Đinh Thế Hiển Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp

Sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có vẻ như “sau cơn bão, trời lại sáng”.

Ai cũng có một mong mỏi rằng “mèo bước vào mây, rồng sắp hiện mình” và chúng ta sẽ có một bức tranh sáng sủa với kênh huy động vốn quan trọng này của nền kinh tế từ năm 2024.

Thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực trở lại.

Để nhìn nhận đúng về bức tranh và đặt các kỳ vọng đúng, chúng ta có thể xem lại cũng như dự báo trên 3 yếu tố cơ sở sau đây:

Kênh huy động vốn đi vào thực chất

Cuối năm 2022 và cả 2023, nhiều ý kiến liên tiếp khẳng định vai trò của thị trường TPDN - kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng. Điều này là đúng và vì vậy, cơn khủng hoảng đã gây ra tác động không nhỏ đối với dòng vốn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc khẳng định vai trò, cần đi với nhận diện đúng, thực chất dòng vốn huy động từ TPDN khoảng 3 năm qua, đã đáp ứng nguồn vốn cho hoạt động đúng mục đích, ổn định, giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hay chưa?

Vụ việc vừa qua đã cho chúng ta một phần câu trả lời. Về thực chất, chúng ta phải nhận diện rõ rằng dòng vốn trong quá khứ, có một phần đã được các doanh nghiệp huy động để đầu tư, đầu cơ đất đai, mở rộng quỹ đất nhằm hướng tới phát triển dự án. Bên cạnh đó, là sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. Đây là 2 hình thức mà khi doanh nghiệp gặp khó từ kênh huy động mới nhằm đảo nợ cũ, cũng như bị chững lại trên thị trường bất động sản và không có dòng tiền thu từ bán hàng, thì lập tức khó khăn thanh khoản.

Tín dụng BĐS lớn trong hệ thống ngân hàng, cũng một phần đến từ việc tồn lũy TPDN, mà ngân hàng là người mua tổ chức, nhà tài trợ lớn. Nhận diện này đã giúp Chính phủ và cơ quan quản lý đưa ra các chính sách kiểm soát để dòng vốn huy động được “nắn dòng” đi vào thực chất hơn.

Niềm tin đầu tư dần phục hồi

Những mặt trái của thị trường TPDN với hoạt động huy động thiếu kiểm soát chất lượng, thiếu minh bạch thông tin, đi cùng là các vụ đòi nợ TPDN như ở Vạn Thịnh Phát chưa có lời kết… khiến NĐT cá nhân mất niềm tin vào thị trường TPDN.

Song hơn 100 doanh nghiệp đàm phán được giãn kỳ hạn thanh toán, đáo hạn trái phiếu với các trái chủ và việc đàm phán đang ngày càng có phần suôn sẻ, dễ dàng hơn, cho thấy các trái chủ sẽ dần khôi phục niềm tin khi thị trường loại bỏ các “mầm” độc hại.

Năm 2024, sẽ có một lượng trái phiếu khoảng 300.000 tỷ đồng đáo hạn. Một khối lượng tương tự cũng sẽ đến kỳ đáo hạn 2025. Việc có thể cho phép áp dụng giãn kỳ hạn đáo hạn theo Nghị định 08/2023 (vốn đã hết hiệu lực) đi cùng áp dụng các quy định nâng chuẩn, siết chặt cả phát hành lẫn góp vốn của tổ chức phát hành và nhà đầu tư trái chủ, trong 2024 cần thời gian để cho thấy sự thích ứng của thị trường.

Khi không sớm hồi phục, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, sẽ là sự nuối tiếc lớn bởi lẽ ngay lúc này, với các quyết sách của Chính phủ và sự chuẩn hóa của chính sách tiền tệ, lãi suất đã về mức rất thấp, nếu doanh nghiệp tận dụng thời cơ phát hành TPDN, sẽ đạt hiệu quả rất cao. Giả định một doanh nghiệp khá tốt phát hành TPDN lúc này với lãi suất 9%/năm, chắc chắn vẫn hấp dẫn hơn so với lãi suất tiền gửi 5-6%/năm cho kỳ hạn dài. Song khảo sát cho thấy nhà đầu tư cá nhân vẫn đang có tâm lý e ngại mất vốn nếu tham gia TPDN.

Cùng với đó, ở góc độ doanh nghiệp, nếu kênh TPDN trở lại mạnh mẽ và đáp ứng đúng vai trò kênh huy động vốn trung, dài hạn, chắc chắn doanh nghiệp, đặc biệt nhóm tập đoàn có hệ sinh thái, sẽ không lo lắng về Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi (cập nhật mới nhất ngày 20/12/2023) với các quy định về giới hạn cấp tín dụng quy định đối với một khách hàng và người có liên quan. Bởi khi đã huy động được vốn TPDN, dần dần doanh nghiệp sẽ thoát lệ thuộc tín dụng, kênh tín dụng sẽ về đúng vai trò bổ sung, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và dịch vụ tài chính bán lẻ.

Kỳ vọng mới

Trở lại với câu hỏi ban đầu, tôi cho rằng thị trường TPDN sẽ phát triển tích cực trở lại, nhất là khi đồng bộ xong việc xử lý hệ quả của TPDN trước đây. Tôi dự báo thời điểm sẽ rơi vào 2025 và nếu các chính sách không tích cực như hiện nay, niềm tin của NĐT vẫn sẽ mong manh.

UBCKNN và Sở GDCK cần có kế hoạch kiểm soát chất lượng TPDN niêm yết lên sàn. Hiện nay, chúng ta đang vận hành theo cách: TPDN do doanh nghiệp phát hành sẽ niêm yết lên sàn, nhưng Sở GDCK chưa kiểm soát chất lượng, điều đó làm các nhà đầu tư cá nhân còn lo ngại chất lượng trái phiếu niêm yết. Một khi Sở GDCK có tiêu chuẩn chọn lọc TPDN niêm yết như tiêu chuẩn với cổ phiếu; và các tổ chức xếp hạng uy tín thực hiện đánh giá doanh nghiệp có trái phiếu niêm yết một cách thường xuyên định kỳ, thì thị trường trái phiếu sẽ sôi động như các nước; và doanh nghiệp có thực lực sẽ sử dụng kênh này thuận lợi cho việc huy động vốn.

Với các điều kiện như vậy, hy vọng những chính sách mạnh mẽ của Nhà nước và các chuyển động theo hướng nhận diện để ứng xử đúng sẽ giúp thị trường ngày càng ổn định, phát triển hiệu quả, minh bạch hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

TS Đinh Thế Hiển Vip

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả