24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chống hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ hàng hóa: Chưa có hồi kết

Tại Việt Nam, rất dễ để tìm mua các sản phẩm thời trang gắn các nhãn hiệu xa xỉ như Dior, Chanel,… hay những chiếc đồng hồ sang trọng với giá rẻ bất ngờ, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Chống hàng giả, hàng nhái và gian lận xuất xứ hàng hóa: Chưa có hồi kết

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Mặc dù lực lượng chức năng liên tục ra quân kiểm tra, kiểm soát nhưng tình trạng gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, làm giả, làm nhái hàng hoá vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc làm trong sạch thị trường nhằm để thực hiện các cam kết thương mại đa phương và song phương, đồng thời lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Phóng viên: Thưa ông, việc buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu và gian lận thương mại đang gây ra những hệ lụy nào cho nền kinh tế?
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, khi tồn tại kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng bị lừa dối, phải bỏ ra một số tiền nhưng nhận lại hàng hóa không đủ phẩm cấp về chất lượng, độ an toàn và sau một thời gian ngắn có thể bị hư hỏng hoặc không còn khả năng sử dụng, gây thiệt hại cho người sử dụng về tài chính, sức khỏe.

Điều này còn làm người tiêu dùng thiếu tin tưởng, thậm chí mất lòng tin với hệ thống phân phối và sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp. Việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với những hàng hóa đủ tiêu chuẩn, chất lượng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, điều này cũng làm giảm sút năng lực tiêu dùng hàng hóa trong thị trường nội địa.

Việc hàng hóa của các doanh nghiệp bị làm giả, bị đội lốt thương hiệu có thể sẽ làm sụp đổ các thương hiệu mà doanh nghiệp phải mất nhiều năm gây dựng.

Hàng hóa của các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ giảm sút năng lực cạnh tranh, khó bán, thậm chí không bán được gây ra tình trạng trì trệ, thậm chí dẫn đến phá sản cho các doanh nghiệp.

Không những vậy, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước trì trệ, mà còn tạo ra một sự lãng phí cực lớn trong tiêu dùng của nền kinh tế.

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đều không có hóa đơn, chứng từ trong hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh buôn bán nên không phản ánh đầy đủ được bản chất của nền kinh tế, ngân sách nhà nước mất một khoản thu tương đối lớn.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao đã có rất nhiều quy định về xử lý gian lận thương mại nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng?
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Trong nền kinh tế vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật, tham lam, muốn làm ít, hưởng nhiều, không tính kế phát triển lâu dài và vì lợi ích trước mắt mà kinh doanh hàng giả thương hiệu, hàng đội lốt xuất xứ, vừa gây hại cho các doanh nghiệp khác, vừa gây tổn hại đến nền kinh tế.

Hiện nay, quy định về xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng, việc quản lý giám sát trên thị trường chưa đầy đủ. Hầu hết các hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất nhẹ.

Việc kiểm tra quản lý của cơ quan quản lý thị trường bị buông lỏng cả ở các đường mòn, lối tắt, các cửa khẩu biên giới cũng như trên các cung đường vận chuyển và ngay tại các thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, việc kinh doanh những mặt hàng này không chỉ diễn ra ở các tỉnh vùng biên, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả giữa Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng này cũng xảy ra với tần suất không nhỏ.

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ,… vẫn tràn ngập ngoài thị trường, thậm chí ngay cả trong các siêu thị. Điều này gây nên bức xúc trong xã hội, nhưng cơ chế phạt rất thấp khiến cho các đối tượng vi phạm pháp luật vẫn bất chấp.

Phóng viên: Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Song bản thân doanh nghiệp lại chưa mặn mà trong việc chung tay với cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng này. Theo ông, đâu là lý do?
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Thực tế hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hàng hóa thương hiệu rất quan tâm và cùng chung tay với lực lượng chức năng để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái… Qua đó, khẳng định nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp hoặc trong ngành hàng mà doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, vai trò của các hiệp hội ngành hàng còn rất mờ nhạt trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Khi các doanh nghiệp phản ánh về việc sản phẩm của họ hoặc trong ngành hàng bị làm giả, làm nhái, giả mạo xuất xứ… thì các hiệp hội ngành hàng phải có nhiệm vụ, vai trò liên kết với các cơ quan chức năng và với chính quyền địa phương, để từ đó có thể chống được hàng giả, hàng nhái,… thông qua điều tra, giám sát, xử lý. Hiện nay, hầu như những việc này các doanh nghiệp phải tự lực thực hiện nên gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, trong quy trình thủ tục việc điều tra, kết luận và đặc biệt là quy trình tố giác, xét xử vẫn còn những phức tạp, chậm chễ, phiền phức gây trở ngại cho các doanh nghiệp. Trong đó việc bồi thường rất thấp so với chi phí đấu tranh và thiệt hại của doanh nghiệp là rất lớn.

Ngoài ra, sự lơ là thực thi nhiệm vụ, sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý, thậm chí có sự thông đồng của một số cán bộ biến chất khiến cho việc kiểm tra, giám sát việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xuất xứ càng trở nên khó khăn.

Phóng viên: Việc tái diễn tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng như hàng hóa lợi dụng xuất xứ Việt Nam liệu có gây ra những nguy cơ trong xung đột thương mại quốc tế đối với chúng ta không, thưa ông?
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh: Việt Nam hiện đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới và được hưởng rất nhiều ưu đãi từ các Hiệp định này.

Việc tái diễn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xuất xứ sẽ gây những nguy cơ trực tiếp, tạo ra xung đột thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Trong thời gian qua, 13 mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu đột biến vào thị trường Mỹ đã được Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo và tiến hành kiểm tra nhằm tránh đội lốt xuất xứ.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bài học về việc một số sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị kết luận đội lốt xuất xứ và bị phía Hoa Kỳ đánh thuế 456,23%, trong khi những sản phẩm này của Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) chỉ bị đánh thuế 25%.

Hơn thế, các sản phẩm hàng hóa trong cùng ngành hàng cũng bị nghi ngờ; khối lượng, thời gian kiểm định tăng lên; thời gian thông quan, lưu kho bãi, chi phí thông quan tăng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa giảm đi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả