24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Bách
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chống “ế” đấu thầu vàng: Nên cân nhắc lại giá tham chiếu

Ngày 03/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Để tránh tình trạng liên tiếp phải hủy các phiên đấu thầu vàng, theo chuyên gia, phải đưa ra giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn nữa và khối lượng đấu thầu tối thiểu cũng giảm hơn nữa…

Theo đó, ngày 03/5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Cụ thể, tương tự các lần trước đó, tại phiên đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC theo giá, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10%, giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 82,90 triệu đồng/lượng.

Khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên vẫn là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Đây không phải là lần đầu tiên các phiên đấu thầu vàng được tổ chức, mà trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22/4, 23/4 và 25/4, mỗi lần đều đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Và tại phiên đấu thầu ngày 23/4 chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng. Trong khi đó, do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc; chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu nên phiên đấu thầu ngày 22/4 và 25/4 cũng lần lượt bị hủy.

Trước hiện trạng đã nêu, theo chuyên gia, nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục “ế” là do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. Bởi, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.

Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao trong khi giá vàng biến động rất mạnh, về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro.

Vì vậy, để chống “ế” cho các phiên đấu thầu vàng, nhiều ý kiến đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu và giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc.

Theo chuyên gia tài chính - Nguyễn Trí Hiếu, đấu thầu vàng miếng là để tăng cung cho thị trường, giúp kéo chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới xuống thấp hơn. Tuy nhiên, qua các đợt đấu thầu vừa qua, các doanh nghiệp lại thờ ơ, không quan tâm vì giá cọc còn cao.

“Các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán mua vào một khối lượng vàng với giá cụ thể thì mục tiêu của họ phải bán ra có lời. Nếu khối lượng quá nhiều, thời gian bán ra càng dài sẽ có nhiều rủi ro khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Hơn nữa, giá đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước công bố cũng không thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Chính vì vậy, động lực để các công ty kinh doanh mua vào và bán ra kiếm lợi nhuận là không có, nên các doanh nghiệp sẽ vẫn chờ đợi và không xuống tiền mua”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Và để tránh tình trạng “ế” các phiên đấu thầu có thể xảy ra, ông Hiếu đề xuất, phải đưa ra giá khởi điểm đấu thầu thấp hơn nữa và khối lượng đấu thầu tối thiểu cũng giảm hơn nữa vì hiện nay khối lượng quy định này cũng còn lớn.

Đồng quan điểm, thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, đầu tiên Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp; thứ hai, tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại. Nếu sửa đổi các điều kiện và mức giá vàng đầu thầu, tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn.

Theo vị chuyên gia này, với nhu cầu thị trường hàng chục tấn vàng/năm của thị trường, việc đấu thầu 16.800 tấn vàng như muối bỏ bể.

“Đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài chúng ta cũng cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay”, ông Thịnh đề nghị.

Xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng cho hay, mục tiêu của đấu thầu vàng miếng theo Ngân hàng Nhà nước là để tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới. Tăng cung nhưng giá bán ra cao thì dù bán được cả trăm nghìn lượng cũng không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được. Vì vậy, nên điều chỉnh lại mức giá tham chiếu, bởi muốn hạ mức giá chênh lệch xuống nhưng lại đưa giá cao thì sẽ tạo ra mâu thuẫn với mục đích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
92.90 -1.10 (-1.17%)
2,715.85 +46.75 (+1.75%)
83,900 N -200.00 (-0.24%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả