Cho ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội...
Sáng 17/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp trong kỳ họp bất thường lần thứ năm cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Vừa qua, dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến Nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.
Tiếp đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về: Kết cấu của báo cáo; các nội dung tiếp thu, giải trình; góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật;…
Tiếp tục Chương trình phiên họp, sáng cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc: giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trước đó, phát biểu khai mạc tại phiên họp bất thường lần thứ 5 sáng 15/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đây là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.
Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp (tháng 12/2023 và tháng 01/2024).
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18 ngày của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận