Chờ gì ở mùa đại hội cổ đông ngân hàng?
Vấn đề được quan tâm nhất vẫn là chia cổ tức; thời gian lên sàn; xử lý vấn đề tăng vốn của ngân hàng và cổ đông cũng phải chấp nhận thực tế lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh trong năm 2020 và nợ xấu tăng do tác động của dịch bệnh.
Hôm 22/5, MSB đã “mở hàng” cho mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) muộn của các ngân hàng. Ngay sau MSB, ĐHCĐ của VietinBank diễn ra ngày 23/5, tiếp đó là VPBank cũng đã chốt lịch đại hội vào ngày 29/5 tới đây. ĐHCĐ của các NHTM sẽ rộ lên vào tháng 6/2020 - muộn hơn so với mọi năm vì đại dịch Covid-19.
Vậy mùa ĐHCĐ năm nay có gì mới không? Vấn đề được quan tâm nhất vẫn là chia cổ tức; thời gian lên sàn; xử lý vấn đề tăng vốn của ngân hàng và cổ đông cũng phải chấp nhận thực tế lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh trong năm 2020 và nợ xấu tăng do tác động của dịch bệnh.
Như thông tin các TCTD đã công bố khi kết thúc năm tài chính 2019, các cổ đông có thể vui mừng khi kết quả kinh doanh năm qua của đại đa số NHTM đều tốt với tăng trưởng về lợi nhuận cao, có ngân hàng tăng vượt mức kế hoạch đến 20%. Tuy nhiên, theo yêu cầu của NHNN, các NHTM đều không được chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm dành nguồn lực cho việc hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19. Theo tài liệu VPBank gửi đến cổ đông trước thềm đại hội, lợi nhuận chưa phân phối và Quỹ đầu tư phát triển cuối năm 2019 của VPBank là 7.013.969 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối dưới hình thức lợi nhuận không chia, đồng thời không thực hiện chia cổ phiếu thưởng từ các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ… nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Việc cổ đông không được chia cổ tức là chuyện khá phổ biến ở nhiều mùa ĐHCĐ trước. Thậm chí như Techcombank, năm nay nữa là gần 10 năm cổ đông không nhận được cổ tức. “Cơm chưa ăn, gạo còn đó” nhưng nhiều cổ đông vẫn muốn “tiền tươi thóc thật”. Thậm chí tại ĐHCĐ của MSB, đại diện cổ đông lớn của ngân hàng này còn “mặc cả”: Có thể chia luôn cổ tức 5% (trong mức dự kiến chia 10% của MSB) được không? Ông Huỳnh Bửu Quang - Phó chủ tịch HĐQT của MSB cho biết: Hiện tại theo quy định của NHNN khi TCTD chưa xử lý xong nợ tại VAMC thì chưa được trả cổ tức. Có lẽ đây cũng là câu trả lời chung của nhiều NHTM khác cho vấn đề này. Nguồn lực từ lợi nhuận chưa chia mỗi NHTM sẽ có kế hoạch sử dụng khác nhau. Và nói như lãnh đạo Techcombank: Đầu tư vào ngân hàng cần có tầm nhìn dài hạn. Nếu đầu tư lướt sóng thì không nên bỏ tiền vào Techcombank. Trước khi nói đến giá cổ phiếu bao nhiêu, nên tập trung vào kết quả những gì ngân hàng đã làm được…
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, MSB vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao: tăng tài sản thêm 8% lên 170.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% đạt 99.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 20% đạt 81.500 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.439 tỷ đồng… Trong khi đó VPBank lại khiêm tốn với kế hoạch: tổng tài sản tăng 12,7% lên 425.132 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá lên kế hoạch đạt 299.728 tỷ đồng; và dư nợ cấp tín dụng 304.744 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng hơn hai lần của năm 2019…
Việc các NHTM điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng không còn khả quan như công bố hồi cuối năm 2019 là tất yếu. Bởi, hệ thống ngân hàng đã, đang triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng với nguồn lực “ăn” vào lợi nhuận. Không những thế, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19. Các NHTM đều chuẩn bị tinh thần cho nợ xấu tăng, nhưng mục tiêu hướng đến của họ vẫn là kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% nhằm giảm thiểu tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng những năm sau này.
Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (sàn UPCoM). Hiện còn đến 13 NHTM chưa thực hiện việc này. Cuối năm 2019 MSB đã nộp hồ sơ để lên sàn HoSE nhưng dịch bệnh tràn đến khiến MSB lùi thời hạn lên sàn. Không chỉ MSB mà nhiều NHTM khác cũng phải điều chỉnh kế hoạch lên sàn. Nếu tình hình khả quan họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này trong năm nay. Nhưng việc niêm yết vào thời điểm nào thì cần đạt được mục tiêu: làm sao giá cổ phiếu phải tương xứng với giá trị của ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận