Chính thức “hụt” sở hữu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, cổ đông KIDO sẽ thiệt hại nặng?
Rót cả nghìn tỷ đồng vào dự án 8-12 Lê Duẩn là khoản đầu tư được cổ đông KIDO kỳ vọng nhiều khi chứng kiến giá BĐS trung tâm tăng mạnh những năm qua.
Theo kết luận của Hội đồng xét xử tại phiên tòa ngày hôm qua (20/9), Công ty CP Đầu tư Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn nên giao UBND TP.HCM thu hồi, quản lí sử dụng toàn bộ khu đất theo qui định. Lavenue có trách nhiệm nộp lại bản chính các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Hợp đồng thuê đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Đồng thời, đối với căn nhà số 12 Lê Duẩn do Lavenue thuê nên phải đập bỏ, Nhà nước thiệt hại 4,7 tỷ đồng nên 5 bị cáo liên đới phải bồi thường số tiền này.
Lật lại bản kết luận điều tra số 114 ngày 30/12/2019 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an về vụ "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan giao đất vàng 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM), có thể thấy được "hành trình" lô đất vàng này lọt vào tay KIDO cũng qua nhiều công đoạn.
Cụ thể, ban đầu TP.HCM giao Công ty CP Hòn Ngọc Viễn Đông (các cổ đông sáng lập gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà, Công ty Vàng bạc đá quý TP, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) làm chủ đầu tư thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Thành Tài (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) đã chấp thuận cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà hình thành pháp nhân mới để thực hiện đầu tư dự án, chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm mua cổ phần tham gia đầu tư dự án mà không thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương cho thành lập pháp nhân mới, nhóm 4 công ty trực thuộc Bộ Công thương (gồm Hóa chất Vật liệu điện, Kim khí, Thiết bị phụ tùng và Vitaco) đã kí hợp đồng vay vốn của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có giá trị 12,5 tỷ đồng để góp đủ số vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue (có vốn góp ban đầu 100 tỷ đồng, tương ứng mỗi công ty sở hữu 12,5% vốn điều lệ).
Ngày 10/9/2010, Công ty CP Đầu tư Lavenue chính thức được thành lập. Đến ngày 29/10/2010, 4 công ty trên đã kí hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (hiện nay là KIDO). Theo đó, mỗi đơn vị chuyển nhượng 1,25 triệu cổ phần với giá chuyển nhượng 50.000 đồng/CP, giá trị 62,5 tỷ đồng/công ty.
Sau khi trả nợ khoản vay của Công ty Kinh Đô trước đó để góp vốn vào Lavenue là 12,5 tỷ/công ty, nhóm 4 công ty này thu về số tiền 50 tỷ đồng/công ty.
Như vậy, ước tính KIDO đã chi 250 tỷ đồng để sở hữu 50% vốn tại Lavenue (nếu tính theo giá trị cổ phần đã mua lại từ 4 công ty trên). Tại phiên tòa lần này, hội đồng xét xử cũng lần nữa đặt câu hỏi với đại diện KIDO rằng, giá trị cổ phần công ty KIDO nhận chuyển nhượng từ 4 công ty là bao nhiêu? Đại diện KIDO cho biết, công ty mua lại 50% vốn góp của 4 công ty trị giá 250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin công bố trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2010, KIDO cho biết đã đầu tư đến… 600 tỷ đồng để đổi lấy 50% cổ phần tại công ty đầu tư dự án trên đất vàng 8-12 Lê Duẩn. Khoản chênh lệch lên tới 350 tỷ đồng này vẫn là một câu hỏi lớn với nhà đầu tư (!?).
Hiện tại, Công ty CP Lavenue - chủ đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn gồm các cổ đông Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP nắm 20% vốn, Công ty Hoa Tháng Năm nắm 30% và Công ty Kido nắm số vốn lớn nhất, tới 50%.
Được biết, theo báo cáo tài chính được KIDO công bố, tính đến ngày 30/6/2020, giá trị đầu tư của DN này tại Lavenue ghi nhận gần 1.087,5 tỷ đồng.
Cổ đông sẽ thiệt hại nặng?
Theo kết luận của Hội đồng xét xử tại phiên tòa ngày 20/9, do Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, các công ty đóng góp theo tỉ lệ phần trăm góp vốn, gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM (20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô - nay là Công ty TNHH Đầu tư KIDO, thành viên của Công ty CP Tập đoàn KIDO góp 50%. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên tịch thu vốn góp của Hoa Tháng Năm do số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội và trả lại số tiền góp vốn của Quản lý kinh doanh nhà TP và KIDO.
Tại phiên tòa xét xử vừa qua, hội đồng xét xử đã hổi về việc vốn riêng của KIDO đã góp vào Lavennue nộp ngân sách Nhà nước, ngoài 250 tỷ đồng thì còn bao nhiêu?. Đại diện KIDO cho biết, qua các lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty hiện vẫn góp 50% vốn điều lệ của Lavennue. Ngoài 200 tỷ đồng vốn góp ban đầu, công ty còn góp hơn 387 tỷ đồng.
Như vậy, theo một chuyên gia tài chính, nếu dựa trên số liệu báo cáo tài chính vốn góp của KIDO để trả lại tiền cho DN này thì sẽ "rất khó xác định cơ sở", và "có thể sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước". Trong khi đó, nếu công ty chỉ nhận được số tiền bằng số vốn góp ban đầu sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông KIDO, bởi nếu dựa trên báo cáo tài chính mới nhất mà KIDO công bố, giá trị khoản đầu tư này đã ghi nhận gần 1.088 tỷ đồng.
Cũng theo chuyên gia này, rất may vụ việc được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, bởi nếu khu đất được chuyển nhượng cho bên thứ 3, đặc biệt là có yếu tố nước ngoài thì Nhà nước sẽ khó thu hồi và có thể phải bồi thường một khoản tiền lớn hơn rất nhiều. "Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng, miếng đất 8-12 Lê Duẩn trị giá 2.500 tỷ thì với việc thu hồi này, Nhà nước có thể tính toán đấu giá lại để có thể thu hồi giá trị tài sản lớn nhất cho ngân sách", chuyên gia này nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận