Chính sách tiền tệ khó đảo chiều, chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn hơn vàng, bất động sản, tiết kiệm
Trong buổi tọa đàm “Thị trường hồi phục - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp” diễn ra tại sáng ngày 27/09, các diễn giả cho rằng động thái hút tiền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa khiến chính sách tiền tệ đảo chiều ngay. Mặt khác, kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác.
Tọa đàm “Thị trường hồi phục - Cơ hội mới cho các doanh nghiệp” diễn ra tại sáng ngày 27/09. Các chuyên gia theo thứ tự trừ trái sáng phải: TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Điệp - Tổng Giám đốc CTCP ViCK, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VIG và host là Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế ứng dụng - ĐH Tôn Đức Thắng
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Hữu Huân - ĐH Kinh tế TP.HCM giải thích về việc NHNN liên tục hút ròng thông qua kênh tín phiếu. Ông Huân chỉ ra rằng hiện tại lãi suất tiền đồng đang thấp hơn lãi suất USD đồng thời, tiền đang dư thừa ở thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng). Hệ thống ngân hàng đang dư tiền như 1 chai nước đầy mà không thể chảy ra nền kinh tế. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay do không đáp ứng đủ điều kiện vay và cầu vay vốn trong nước yếu.
Giai đoạn trước đó, chính sách giảm lãi suất đã đẩy vốn vào ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng lại không đẩy vào nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng giảm thấp dẫn tới tình trạng NHTM phải tìm cách để tìm cách tìm kiếm lợi nhuận đầu cơ vào USD và lướt sóng tỷ giá. Điều đó đã tạo ra áp lực tỷ giá tăng.
Từ đó, NHNN buộc phải rút tiền từ hệ thống ngân hàng. Đây là động thái hợp lý giúp giảm dư thừa thanh khoản ở hệ thống ngân hàng và giảm áp lực tỷ giá. Động thái này còn tiếp tục cho tới khi tỷ giá ổn định. Lãi suất liên ngân hàng theo đó sẽ tăng trở lại.
TS Nguyễn Hữu Huân nhận định điều này chưa hẳn tác động tới thị trường chứng khoán. Những cú sụt gần đây là do nhà đầu tư đang phản ứng theo yếu tố tâm lý nhiều hơn.
Theo ông Huân, chính sách tiền tệ đảo chiều có xác suất thấp. Bởi lẽ, mục tiêu tăng GDP năm nay khó đạt được. Lãi suất phải ở mức 6 - 6.5%. Điều hành chính sách phải luôn đánh đổi giữa tăng trưởng và sự ổn định. Hiện tại, chính sách cần đánh đổi 1 chút về sự ổn định về có thể giữ được đà tăng trưởng.
Nói về thị trường chứng khoán, các chuyên gia đều đánh giá cao sức hấp dẫn của kênh này so với các kênh đầu tư khác.
Theo ông Điệp, giá trị giao dịch thành công của thị trường chứng khoán trong tháng 8/2023 đạt 22,000 tỷ đồng, đây là mức giao dịch cao nhất trong vòng 2 năm qua. Con số này thể hiện tín hiệu tích cực của thị trường.
“Theo quan sát của tôi nhiều dấu hiệu cho thấy tiền của nhà đầu tư đang chực chờ ở cửa, họ bán đi nhưng họ không rút ra. Bởi, rút tiền ra cũng không có kênh đầu tư nào ổn hơn, kể cả bất động sản, vàng, ngoại tệ hay gửi tiết kiệm. Rõ ràng là kênh đầu tư chứng khoán đang được ưu tiên hơn”, ông Điệp cho hay.
Cũng theo ông Điệp, ở thời điểm hiện tại thì điểm chứng khoán của thị trường đang ở mức thấp, giống như cách đây 16 năm (năm 2007). Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ không bị “gãy”. Thị trường sẽ có những điểm số mới, đỉnh cao mới trong cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Theo bà Hằng, hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, vàng hay tiết kiệm vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Cụ thể, với bất động sản, đây là ngành đang gặp nhiều khó khăn về vốn, tổ chức sản phẩm, đầu ra, bán hàng. Do đó, để ngành bất động sản hồi phục thì cần rất nhiều thời gian.
Với kênh đầu tư vàng thì từ trước đến nay, vàng vẫn là kênh đầu tư kém hấp dẫn tại Việt Nam vì thanh khoản của vàng không cao và biến động về giá cả cũng rất khó lường.
Với kênh tiết kiệm, đây vẫn là kênh đầu tư an toàn, ổn định. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang giảm cũng khiến nhà đầu tư không mấy "mặn mà".
Trình bày Báo cáo tổng quan về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Bùi Nguyên Khoa - đại diện CLB phân tích của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng chỉ số VN-Index có hiệu suất tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023, thanh khoản thị trường đã liên tục bùng nổ và đạt mức trung bình hơn 20,000 tỷ đồng/phiên trong tháng 08/2023 (tương đương giai đoạn đỉnh cao của TTCK ở năm 2021), qua đó phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối 2023.
Ông Bùi Nguyên Khoa
Bên cạnh đó, sự trở lại của nhà đầu tư trong nước cũng như môi trường lãi suất thấp cùng với kết quả kinh doanh cải thiện là các yếu tố chính thu hút dòng tiền vào TTCK. Với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng hiện đã giảm xuống dưới mức 6% có thể khiến cho sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm giảm bớt. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tiếp tục có sự gia tăng tích cực trong thời gian tới khi TTCK có khả năng thu hút thêm dòng tiền mới đi tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận