Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Giai đoạn 2019-2024 là thời kỳ kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, diễn biến khó lường, rủi ro gia tăng do đại dịch bùng phát trên toàn cầu và căng thẳng địa chính trị leo thang. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô; kết hợp với quá trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần tích cực khơi thông nguồn tài lực cho phát triển kinh tế-xã hội...
Đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam là phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Năm 2023, với quy mô tín dụng đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 130%, thuộc nhóm các nước có tỷ lệ này cao nhất; trong khi đó, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng, so với GDP đạt khoảng 65,2%; quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 35,77% GDP (trái phiếu chính phủ) đạt khoảng 23% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,77% GDP; toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế chưa đầy 7,5% GDP. Theo đó, ngành ngân hàng, với sự vận hành của hệ thống các tổ chức tín dụng dưới sự quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế.
KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH VỊ THẾ VND
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng góp phần kiểm soát lạm phát trong 5 năm 2019-2024 là một trong những thành công lớn nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, lạm phát toàn cầu tăng cao.
Từ năm 2019 đến nay, lạm phát tổng thể được kiểm soát dưới 4% (2019: 2,79%; 2020: 3,23%; 2021: 1,84%; 2022: 3,15%; 2023: 3,25%), góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân. Đây là thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt đỉnh trong năm 2022 (8,73%), với sự gia tăng của giá năng lượng, lương thực - thực phẩm, nguyên, vật liệu sản xuất.
Để đạt được kết quả trên, chính sách tiền tệ đã có những đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh: (i) lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, vừa hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong giai đoạn áp lực (năm 2022), vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn lạm phát toàn cầu bớt căng thẳng hơn (2023-2024); (ii) điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế được khắc phục về căn bản, các mục tiêu về tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng dư nợ tín dụng, hay tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đều có khả năng đạt được
Tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng dư nợ tín dụng cuối năm 2019 đạt 5,87%, đến cuối tháng 7/2024 chỉ còn khoảng 3,4%; tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán cuối năm 2019 đạt 8,35%, đến cuối tháng 7/2024 còn 6,29% cho thấy tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế, tính cả trên góc độ tiền vay lẫn tiền gửi đều tiếp tục được cải thiện; phấn đấu tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán dưới 5% ở năm 2030.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng bộ trong khung khổ chính sách tiền tệ chung nhằm đạt mục tiêu xuyên suốt, nhất quán kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt theo hai chiều tăng/giảm, phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài; thị trường xác định tỷ giá USD/VND trong biên độ +/-5% (trước tháng 10/2022 là +/-3%) so với tỷ giá trung tâm.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng linh hoạt thực hiện mua, bán can thiệp ngoại tệ trên thị trường với các hình thức đa dạng khi cần thiết nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối, giúp chuyển hóa nguồn lực thành tiền đồng để hỗ trợ phát triển kinh tế; hay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, ổn định tâm lý thị trường, đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ.
Nhìn chung, giai đoạn từ năm 2019 đến tháng 6/2024, mặc dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VND về cơ bản diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt; qua đó, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
TĂNG HIỆU QUẢ PHÂN BỔ VỐN TÍN DỤNG
Vốn tín dụng ngân hàng luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Giai đoạn 2007-2011, có những thời điểm tín dụng tăng rất cao (51,54% năm 2007, 37,53% năm 2009, 31,19% năm 2010), nhưng từ năm 2012 đến nay và đặc biệt trong 5 năm gần đây, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế (khoảng 13,48%/năm), cho thấy hiệu quả phân bổ vốn tín dụng đã tăng lên rõ rệt. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được thành tựu đáng ghi nhận, là minh chứng rõ cho sự gia tăng của hiệu quả phân bổ vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.
Giai đoạn 2007-2011, tăng trưởng tín dụng đều ở mức trên 30%, thậm chí 50%/năm. Nhưng trong 5 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng khoảng 13,48%/năm. Tăng trưởng tín dụng thấp hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được thành tựu đáng ghi nhận cho thấy hiệu quả phân bổ vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.
Trên cơ sở các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, hàng năm Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm và trong năm rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình tài chính, khả năng quản trị điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của tổ chức tín dụng và tình hình thực tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Giai đoạn 2019-2024, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo, ngay cả trong tình huống khó khăn nhất. Ngành ngân hàng đứng vững và đi qua được các thời điểm nhạy cảm, đảm bảo an toàn hoạt động cho cả hệ thống.
TỒN TẠI, HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Bên cạnh các mặt đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế mang tính cố hữu, nội tại từ nền kinh tế mà ngành ngân hàng cùng với nền kinh tế cần tiếp tục khắc phục.
Mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả tích cực, Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên, do chất lượng tài sản của các doanh nghiệp giảm sút, sản xuất kinh doanh đình trệ nên đã tác động nhất định đến nợ xấu ngân hàng. Ngành ngân hàng xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cần tiếp tục thực hiện để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường