Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đe dọa thương mại toàn cầu
Những cảnh báo của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc áp thuế quan với Canada, Mexico, Trung Quốc hay các nước BRICS đang làm gia tăng căng thẳng và có thể dẫn tới những xáo trộn lớn với thương mại toàn cầu.
Những tuyên bố đe dọa áp thuế của ông Donald Trump
“Với tôi, từ đẹp nhất trong từ điển là thuế quan, và đó là từ tôi thích nhất”, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nói với Tổng biên tập Bloomberg News, John Micklethwait, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp vào tháng 10 tại Chicago.
Và tuần qua, ông Trump đã một lần nữa cụ thể hóa sự yêu thích của mình bằng những tuyên bố khiến nền kinh tế toàn cầu cảm thấy lo ngại.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 25-11, ông Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico nếu hai nước này không có biện pháp kiểm soát dòng chảy ma túy và người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Trong một bài đăng khác, ông cũng cho biết sẽ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, hôm 30-11, ông Trump tiếp tục cảnh báo sẽ áp thuế 100% đối với các thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS nếu khối này tìm cách “thay thế đồng đô la Mỹ”.
Tác động tiềm tàng từ chính sách thuế quan của Mỹ
Dễ nhận thấy, các mức thuế mới được đưa ra có phạm vi hẹp hơn nhiều so với những cam kết ông Donald Trump từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Khi đó, ông đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc và mức thuế từ 10-20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác.
Giờ đây, những con số được đưa ra cho thấy có vẻ như những loại thuế nhập khẩu mà ông Trump sẽ áp dụng sau khi nhậm chức sẽ được sắp xếp theo trình tự và có mục tiêu để tối đa hóa đòn bẩy đàm phán và doanh thu thuế quan, đồng thời hạn chế khả năng lạm phát nóng trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu các nỗ lực đàm phán không thành công, thuế quan có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế Mỹ, làm tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời dẫn tới nguy cơ bị các quốc gia khác trả đũa thương mại.
Bloomberg dự báo, trong trường hợp cơ sở, Mỹ sẽ tiến hành ba đợt tăng thuế quan bắt đầu từ mùa hè năm 2025. Mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc rốt cuộc sẽ tăng gấp 3 vào cuối năm 2026, trong khi hàng hóa của các nước khác (chủ yếu là hàng hóa trung gian, không ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng) sẽ chịu mức tăng thuế nhỏ hơn. Tác động kết hợp sẽ khiến mức thuế quan trung bình của Mỹ tăng gấp 3 lần từ 2,6% trong năm 2023 lên 7,8% vào cuối năm 2026.
Nếu mọi thứ diễn ra theo cách này, khối lượng thương mại của Mỹ sẽ giảm từ 21% tổng lượng hàng hóa toàn cầu hiện nay xuống còn 18%. Điều này không chỉ làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ mà còn làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nước này trên trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, lạm phát có nguy cơ nóng trở lại do mức thuế quan cao hơn và đồng đô la mạnh hơn, trong khi thị trường chứng khoán chững lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Trong số các đối tác thương mại của Mỹ, những bên thiệt hại lớn nhất sẽ là Trung Quốc - quốc gia phải đối mặt với mức tăng thuế quan mạnh nhất, Canada và Mexico, những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại với Mỹ. Nhìn chung, thương mại của Mỹ sẽ giảm 11%, trong khi Trung Quốc sẽ nói lời tạm biệt với 83% doanh số bán hàng của mình sang Mỹ.
Các ngành công nghiệp Mỹ vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Canada và Mexico như ô tô và năng lượng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo dự đoán của S&P Global Commodity Insights, nếu Mỹ áp thuế 25% lên dầu thô từ Canada giá xăng dầu tại khu vực Trung Tây nước này sẽ tăng mạnh, khiến các nhà máy lọc dầu không thể tìm nguồn cung thay thế với chi phí hợp lý.
Vấn đề giá cả - yếu tố đã khiến đảng Dân chủ thua trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua cũng sẽ nóng lên. Các nhà kinh tế tại ING ước tính các cam kết thuế quan toàn diện của ông Trump có thể khiến mỗi người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm 2.400 đô la mỗi năm. Điều này sẽ gây áp lực lớn đối với các hộ gia đình thu nhập thấp.
Phản ứng của các đối tác thương mại lớn
Sau những tuyên bố áp thuế của ông Trump, cả Canada và Mexico ban đầu đều đưa ra những cảnh báo rằng bất kỳ mức thuế mới nào ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đều sẽ bị đáp trả tương xứng. Tuy nhiên, theo CNN Business, do vị trí địa lý, cả hai nước này đều phụ thuộc rất lớn vào quan hệ thương mại với Mỹ và không có nhiều lựa chọn ngoài việc chấp nhận nhượng bộ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thăm bất ngờ tới Florida vào tối thứ Sáu tuần trước (29-11) và dùng bữa tối với ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago của ông. Ông Trump sau đó cho biết hai bên đã có một cuộc họp rất hiệu quả, thảo luận về vấn đề biên giới, thương mại và năng lượng. Về phần mình, Thủ tướng Trudeau cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác với phía Mỹ.
Tương tự, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng điện đàm với ông Trump để thảo luận về dòng người di cư trái phép, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ dọa áp thuế với Mexico. “Đó là cuộc trao đổi rất thân thiện, chúng tôi nhất trí sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên”, bà Claudia Sheinbaum cho biết hôm 28-11.
Tuy nhiên, với Trung Quốc, tình hình được dự báo sẽ rất khác, bởi Bắc Kinh được cho là đã chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến thương mại 2.0 và sẽ không dễ dàng lùi bước.
Bắc Kinh được dự báo sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả bất đối xứng một cách linh hoạt và có mục tiêu, bao gồm việc trừng phạt một số công ty của Mỹ, trả đũa một số ngành hàng như nông nghiệp, hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu chiến lược như đất hiếm vốn cần thiết cho ngành công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Một số lựa chọn đáng chú ý khác là việc Trung Quốc có thể bán tháo lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ, làm xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời gia tăng áp lực lên lãi suất tại Mỹ, hoặc giảm giá đồng nhân dân tệ để duy trì tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Tuy vậy, theo các chuyên gia, các biện pháp này cũng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh, và ít có khả năng được triển khai.
Một nền kinh tế lớn khác là Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang chuẩn bị những phương án cho một cuộc đối đầu thương mại với Mỹ. Bên cạnh các nỗ lực xoa dịu ông Donald Trump, các quan chức châu Âu được cho là đang thiết lập một danh sách bí mật các biện pháp trả đũa để sẵn sàng triển khai trong trường hợp bị Mỹ áp thuế.
Sự phân hóa trong thương mại quốc tế
Theo các chuyên gia, những tuyên bố của ông Trump không chỉ báo hiệu một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ mà còn thúc đẩy các nước khác cân nhắc áp dụng chính sách tương tự, gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Sự bất đồng giữa các nền kinh tế lớn có thể làm suy yếu vai trò của các cơ chế đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương hoặc khu vực, từ đó dẫn tới sự phân hóa sâu sắc hệ thống thương mại quốc tế.
Theo S&P Global, việc áp thuế với các đồng minh trong khi vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong các cuộc thảo luận về thương mại toàn cầu. Các quốc gia sẽ cố gắng tìm kiếm quan hệ đối tác thương mại thay thế, từ đó giảm dần ảnh hưởng của Mỹ trong thương mại quốc tế.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang triển khai những động thái như vậy, nhằm vào cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á để giảm bớt tác động từ việc mối quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi.
Ông Matt Gertken, chiến lược gia địa chính trị của BCA Research, nhận định một trong những chiến lược hiệu quả nhất mà Bắc Kinh có thể theo đuổi trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại sẽ là “hình thành liên minh ở châu Âu và châu Á cùng với ngoại giao thương mại để thuyết phục các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng chính sách của Washington là liều lĩnh và có hại cho hòa bình và thịnh vượng”.
Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này cũng sẽ không dễ dàng, bởi các quốc gia sẽ muốn hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc thay vì chọn phe. Ví dụ như trong trường hợp của BRICS, cảnh báo áp thuế 100% của ông Donald Trump được dự báo sẽ tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ khối, khi một số quốc gia như Ấn Độ và Nam Phi hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thương mại với Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường