Chính quyền ông Biden cảnh báo khí nhà kính tăng khi xuất khẩu LNG
Xuất khẩu LNG sẽ làm tăng tác động môi trường và chi tiêu dùng trong nước, theo nghiên cứu từ chính quyền ông Biden.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố phân tích về tác động kinh tế và môi trường của tình trạng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo đó, việc tăng xuất khẩu loại khí này sẽ làm chi phí tiêu dùng trong nước leo thang và cản trở nỗ lực hạn chế khủng hoảng khí hậu.
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm nói cách tiếp cận kinh doanh thường lệ với giấy phép xuất khẩu LNG là không bền vững và không nên làm. Ông nhấn mạnh phải có cách tiếp cận thận trọng với việc cấp phép mới.
Phân tích của Bộ Năng lượng được các nhóm môi trường hoan nghênh. "Mỹ phải có quan điểm hướng tới tương lai để đảm bảo công chúng không phải gánh chịu chi phí và hậu quả từ các quyết định chỉ phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn gây ô nhiễm", Tiến sĩ Rachel Cleetus - Giám đốc chính sách của Chương trình Khí hậu và năng lượng tại Liên minh các nhà khoa học (UCS) nói.
Moneen Nasmith, luật sư cấp cao tại nhóm vận động pháp lý Earthjustice cho rằng phân tích của Bộ Năng lượng xác nhận sự thật mà họ đã biết trong nhiều năm. Xuất khẩu LNG tràn lan đẩy giá năng lượng lên cao, góp phần gây biến đổi khí hậu và trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của toàn cầu.
"Những nghiên cứu này chỉ rõ xuất khẩu LNG vì lợi ích tốt nhất của các CEO khí đốt chứ không phải của bất kỳ đối tượng nào khác", Lauren Parker, luật sư tại Viện Luật Khí hậu (Trung tâm Đa dạng sinh học) cho biết.
Bộ Năng lượng mở thời gian bình luận cho bản phân tích trong 60 ngày.
Hồi tháng 1, ông Biden đã dừng phê duyệt cấp phép xuất khẩu khí LNG tới các thị trường tiêu thụ lớn ở châu Á và châu Âu. Động thái này được các nhà khoa học khí hậu, những người ủng hộ công lý môi trường và chuyên gia y tế công cộng hoan nghênh, nhưng lại bị ngành dầu khí lên án.
Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ những người ủng hộ môi trường, đồng thời với lời hứa trong chiến dịch tranh cử là trở thành "Tổng thống khí hậu" đầu tiên của Mỹ, ông Biden đã hoãn cấp phép mới cho hơn chục cơ sở xuất khẩu LNG, gồm dự án CP2 có quy mô 24 triệu tấn mỗi năm, được một chuyên gia mô tả là "quả bom khí hậu".
Năm 2016, Mỹ bắt đầu xuất khẩu LNG. Hiện nước này là nhà sản xuất, xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới. Theo một nghiên cứu do Greenpeace và Sierra Club công bố hồi tháng 8, việc mở rộng xuất khẩu LNG là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca tử vong sớm và gần 1 tỷ USD chi phí y tế hàng năm.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, một người hoài nghi về khí hậu và ủng hộ phát triển nhiên liệu hóa thạch, cam kết sẽ chấm dứt lệnh hoãn cấp giấy phép mới cho xuất khẩu LNG khi quay trở lại Nhà Trắng đầu năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường