Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi
Ngày 2/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Theo dự thảo tờ trình, việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý giải quyết thủ tục hành chính như cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động; trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Dự án luật cũng là căn cứ ứng dụng chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tích hợp ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip.
Căn cước gắn chip giúp công dân xác thực thông tin thiết yếu trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước như thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được trí tuệ nhân tạo tổng hợp, phân tích, dự báo để phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.
Người dân đến làm căn cước công dân gắn chip tại TP Thủ Đức, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Báo cáo giải trình cuối tháng 4, Chính phủ cho biết thông tin công dân được lưu trữ đầy đủ trong bộ phận được mã hóa để đảm bảo riêng tư. Trước mắt, sẽ có một số giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước. Các giai đoạn tiếp theo, tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu, các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất tích hợp thêm.
Dự thảo luật đề xuất trên thẻ căn cước bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay thông tin quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú. Cải tiến này theo Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi và đảm bảo tính riêng tư; thông tin người dân được khai thác qua chíp điện tử.
Thay nơi thường trú thành nơi cư trú được cho là phù hợp thực tiễn vì nhiều người hiện chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, thậm chí không có nơi thường trú, tạm trú. Với quy định mới, tất cả người dân đều đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước; đảm bảo quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Việc cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo nhu cầu của người dân. Khi chưa có điều kiện đổi thẻ căn cước mới, công dân có thể tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (miễn phí trên ứng dụng VNeID) để làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Thẻ căn cước đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Trong ngày 1/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Sau đó, các đại biểu nghe tờ trình và thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Sơn Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường