Chính phủ thúc 'siêu ủy ban' trình đề án cơ cấu lại VNPT và VNR
Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2021 - 2025 và các tổng công ty trực thuộc theo thẩm quyền.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý có trong Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 vừa được ban hành.
Theo nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan: Giao thông Vận tải, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ kết luận của Bộ Chính trị để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 3 dự án đạm.
Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty đề xuất, triển khai đầu tư các dự án lớn, có tác động lan tỏa phát triển kinh tế địa phương và cả nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và các tổng công ty trực thuộc theo thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo triển khai thực hiện các dề án cơ cấu lại sau khi được phê duyệt, để các doanh nghiệp có đủ thời gian để triển khai cơ cấu lại có kết quả. Đồng thời khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40 của Bộ Chính trị.
Năm 2022, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có tổng doanh thu đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 97,5% kế hoạch. Với mức doanh thu này, lợi nhuận của VNPT đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 9,35%.
Theo đại diện doanh nghiệp này, doanh thu một số nhóm dịch vụ số của VNPT có mức tăng khả quan so với cùng kỳ 2021, trong đó đặc biệt tăng mạnh tại các nhóm dịch vụ hạ tầng số (tăng 57%), giáo dục số (tăng 74%), quản trị doanh nghiệp (tăng 68%).
Về phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2022, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. VNR lỗ sau thuế 130,5 tỷ đồng, vượt 75,7% so với cùng kỳ (tương ứng giảm lỗ 407 tỷ đồng) và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm lỗ 373 tỷ đồng). Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lỗ sau thuế 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận