Chiến lược giúp Masan “miễn nhiễm” với biến động tỷ giá
Từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ (DXY) đã tăng 4,11%, từ mức 101,3 điểm lên 105,5 điểm. Tính riêng trong quý đầu năm, chỉ số này tăng khoảng 3,12%.
Đồng USD mạnh lên khiến tỷ giá USD/VND bán ra niêm yết tại các ngân hàng tăng mạnh, có thời điểm chạm mức 25.700 đồng. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá hết sức "nóng".
Nguyên nhân do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra được thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạ lãi suất. Mặt khác, trong 3 tháng đầu năm nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây.
Tỷ giá tăng nóng đã tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có nợ vay bằng USD. Báo cáo tài chính gần nhất của hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành đều ghi nhận các khoản lỗ phát sinh do biến động tỷ giá.
Hệ quả, áp lực trả nợ của doanh nghiệp tăng lên dù không hề vay thêm. Không ít các doanh nghiệp lớn phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp tránh được rủi ro tỷ giá nhờ sử dụng các công cụ, giải pháp phòng hiệu quả dựa vào đội ngũ có nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính quốc tế.
Trong 2 năm vừa qua, Tập đoàn Masan là một trong những doanh nghiệp huy động vốn bằng USD nhiều nhất khi đã thành công huy động được 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Nếu tính từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Masan đã huy động gần 5 tỷ USD vốn quốc tế.
Bất chấp tỷ giá tăng cao, phía Masan cho biết đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng USD nhờ vào các điều khoản hợp lý trong các hợp đồng huy động vốn.
Cụ thể, các điều khoản vay vốn cho phép 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 và lãi suất cố định ở mức 8,93% mỗi năm. Sử dụng hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với giao dịch ngoại tệ kỳ hạn: 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 với tỷ giá là 24.005; 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong 5 năm với tỷ giá 1 năm ở mức 23.790 để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất.
“Việc đồng USD tăng giá gần đây không gây tác động trọng yếu đến lợi nhuận của tập đoàn”, thông báo của Masan hôm 22/4 viết. Masan vẫn tự tin tiếp tục huy động nguồn vốn nước ngoài để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và cải thiện bảng cân đối kế toán.
Mới đây Masan đã hoàn tất đợt huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital, quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Tập đoàn đã nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này, giúp cải thiện đáng kể bảng cân đối kế toán của công ty.
Bên cạnh nguồn vốn quốc tế, Masan còn dự kiến thu về một lượng tiền mặt lớn từ việc nhận cổ tức tại Techcombank sau khi ngân hàng này thay đổi chính sách trả cổ tức.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra cuối tháng 4, Techcombank đã thông qua phương án chia cổ tức tỉ lệ 15% bằng tiền mặt. Với việc sở hữu 19,9% lợi ích kinh tế tại ngân hàng, Masan dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 6 tháng tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận