Chia sẻ kinh nghiệm: lựa chọn cổ phiếu khỏe trong đầu tư chứng khoán
Trong hành trình đầu tư chứng khoán, việc lựa chọn cổ phiếu khỏe luôn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của danh mục đầu tư. Đặc biệt, thời điểm sau điều chỉnh của thị trường thường là cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư nhận diện và chọn ra những cổ phiếu tiềm năng nhất.
Tuy nhiên, để thực sự tìm được cổ phiếu khỏe, bạn cần dựa trên những tiêu chí rõ ràng, tránh rơi vào những bẫy tăng giá ngắn hạn. Dưới đây là kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu khỏe dựa trên 3 tiêu chí quan trọng và một yếu tố bổ trợ không thể bỏ qua.
1. Khả năng chống chịu khi thị trường chung: Cổ phiếu khỏe phải thể hiện sức đề kháng tốt trước áp lực giảm của thị trường chung. Cụ thể:
- Khi thị trường chung giảm, cổ phiếu khỏe thường giảm ít hơn hoặc thậm chí không giảm. Điều này phản ánh sự quan tâm và hỗ trợ từ dòng tiền lớn, cũng như niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng cổ phiếu đó. Những cổ phiếu duy trì được sự ổn định trong giai đoạn thị trường xấu thường sẽ có lợi thế lớn khi thị trường phục hồi.
2. Tích lũy mẫu hình đáng tin cậy: Một cổ phiếu khỏe không chỉ chống chịu tốt mà còn phải tích lũy đủ lâu và đủ vững để chuẩn bị cho giai đoạn bứt phá. Giai đoạn tích lũy chính là thời điểm cổ phiếu "nén lực", chờ thời cơ để bứt tốc. Các đặc điểm của một mẫu hình tích lũy đáng tin cậy:
- Biên độ dao động nhỏ dần: Giá cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp và thu hẹp dần qua thời gian.
- Thanh khoản giảm dần: Thanh khoản thấp trong giai đoạn tích lũy là tín hiệu tích cực, cho thấy nguồn cung cổ phiếu đã cạn dần.
- Xuất hiện các mẫu hình kỹ thuật rõ ràng hoặc Giá di chuyển Không phá vỡ hỗ trợ quan trọng bởi giá cổ phiếu mà duy trì trên các mức hỗ trợ chính, chứng tỏ lực cầu vẫn mạnh.
Những dấu hiệu cần tránh:
- Thanh khoản tăng cao bất thường nhưng giá không bứt phá được.
- Giá phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng trong quá trình tích lũy.
3. Dẫn dắt khi thị trường phục hồi: Tiêu chí cuối cùng – và cũng là quan trọng nhất – để xác định cổ phiếu khỏe là khả năng dẫn dắt thị trường khi phục hồi.
Khi thị trường chung bắt đầu tăng trở lại, cổ phiếu khỏe thường là những mã tăng đầu tiên, mạnh mẽ hơn và vượt qua các vùng kháng cự quan trọng. Điều này thể hiện sự khác biệt của cổ phiếu khỏe so với những mã khác chỉ hồi phục mang tính kỹ thuật, thiếu động lực tăng trưởng dài hạn. Nếu cổ phiếu không thể dẫn dắt hoặc không theo kịp thị trường sau giai đoạn chỉnh, rất có thể đây là một tín hiệu cảnh báo rằng cổ phiếu này không thực sự mạnh mẽ.
Ví dụ điển hình gần đây nhất là xu hướng của cổ phiếu VHC so với VNINDEX giai đoạn 13/9 - 22/9/2023 và 27/9 - 3/10/2024 của CTG và VNINDEX khi mà cả ở 2 giai đoạn này VHC và CTG đạt chỉ tiêu 1, 2 nhưng chỉ tiêu 3 lại không đạt và cái kết là cả cổ phiếu và thị trường chung điều chỉnh mạnh sau đó.
4. Yếu tố bổ trợ: Ngành cùng khỏe – Xu hướng bền hơn: Bên cạnh việc đánh giá cổ phiếu, nhà đầu tư cần chú ý đến yếu tố ngành. Một cổ phiếu khỏe sẽ trở nên đáng tin cậy hơn nếu nó thuộc một ngành mà nhiều mã trong ngành cùng khỏe.
- Độ tin cậy cao hơn: Khi nhiều cổ phiếu trong ngành đều đáp ứng các tiêu chí trên, khả năng đây là xu hướng ngành thay vì sự tăng giá riêng lẻ. Điều này mang lại sự tự tin cho nhà đầu tư.
- Xu hướng giá bền vững hơn: Dòng tiền lớn tập trung vào một ngành giúp xu hướng tăng trưởng kéo dài, ít bị đứt đoạn.
- Hỗ trợ từ yếu tố cơ bản: Ngành khỏe thường có các yếu tố nền tảng như kết quả kinh doanh tốt, chính sách vĩ mô thuận lợi hoặc xu hướng phát triển dài hạn.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường